Tuvandoanhnghiep.com.vn - Thay đổi giấy phép kinh doanh

Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở theo quy định pháp luật

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

  1. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở

Căn cứ khoản 3 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019: Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Đây là nội dung mới, lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật Lao động năm 2019 phù  hợp với tiêu chuẩn lao động quốc tế về tự do lập hội đối với người lao động. Quy định của Điều luật này cho thấy:

  1. Về tên gọi, đây là tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và gắn với một đơn vị sử dụng lao động cụ thể

Như vậy, sẽ không có tổ chức đại diện người lao động ở cấp độ cao hơn cấp cơ sở. Tổ chức đại diện được thành lập trên cơ sở tự nguyện động, như vậy tham gia tổ chức đại diện hay không do người lao động quyết định. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc sự xuất hiện của tổ chức đại diện người lao động không phải là bắt buộc với người lao động trong quan hệ lao động.

  1. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở xuất hiện nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động

Do đó, tất cả các hoạt động của tổ chức đại diện người lao động nếu ngoài mục đích nói trên (ví dụ: mục đích chính trị) đều bị coi là vi phạm pháp luật lao động và có thể dẫn đến hậu quả bất lợi với tổ chức (đình chỉ hoạt động, thu hồi đăng ký…). Quy định này phù hợp với văn kiện pháp lý quốc tế cũng như thông lệ pháp luật của nhiều quốc gia.

  1. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà không phải là công đoàn cơ sở chỉ được thành lập ở doanh nghiệp mà chưa được thành lập ở những đơn vị sử dụng lao động khác (cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước, lực lượng vũ trang…)

Như vậy, người lao động dù làm việc ở bất cứ đâu (cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức chính trị – xã hội…) đều có quyền lựa chọn tham gia tổ chức đại diện thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Người lao động làm việc ở doanh nghiệp có thêm quyền lựa chọn tổ chức đại diện của mình không thuộc tổ chức công đoàn thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Nói cách khác, người lao động làm việc trong các doanh nghiệp có nhiều quyền lựa chọn thành lập tổ chức đại diện hơn người lao động làm việc không thuộc các doanh nghiệp. Điều này cũng cho thấy khi tham chiếu đến các quy định của Công ước số 87 và 98 thì việc ghi nhận quyền tự do gia nhập, thành lập tổ chức đại diện của người lao động theo pháp luật lao động Việt Nam còn chưa thực sự đầy đủ xét về khía cạnh đối tượng lao động.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay đây là vấn đề mới ở Việt Nam thì quy định như trên cũng là sự thận trọng cần thiết, thêm nữa, vấn đề tự do lựa chọn đại diện lao động thật ra có nhiều ý nghĩa với người lao động làm việc trong doanh nghiệp hơn khu vực hành chính công.

Trong điều kiện hiện nay, quy định như vậy tạo điều kiện thúc đẩy, tăng cường vai trò, vị thế và hiệu quả hoạt động của công đoàn thuộc hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vừa tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm hoạt động lành mạnh trong phạm vi quan hệ lao động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, vừa bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội và đặc điểm của quan hệ lao động ở Việt Nam.

  1. Hình thức tương tác giữa tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động/đại diện người sử dụng lao động là thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác do pháp luật quy định (đối thoại, thỏa ước lao động tập thể).

Do đó, về nguyên tắc khi nảy sinh mối quan hệ giữa hai bên thì hình thức pháp lý để các bên lựa chọn là do pháp luật quy định chứ không phải là hành động đơn phương hay lựa chọn duy ý chí của các bên.

  1. Tổ chức đại diện người sử dụng lao động

Căn cứ khoản 4 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019: Tổ chức đại diện người sử dụng lao động là tổ chức được thành lập hợp pháp, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động trong quan hệ lao động.

Tổ chức đại diện người sử dụng lao động là thiết chế được lập ra với chức năng, nhiệm vụ đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động trong quan hệ lao động. Việc xác lập các tổ chức đại diện người sử dụng lao động dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự do liên kết.

Quy định tại khoản 4 cho thấy:

  • Tổ chức đại diện của người sử dụng lao động phải là tổ chức được thành lập hợp pháp, tức là theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động năm 2019 không có quy định cụ thể về tên tổ chức, trình tự, thủ tục, điều kiện,… thành lập tổ chức đại diện người sử dụng lao động như với tổ chức của người lao động;
  • Tổ chức đại diện người sử dụng lao động được thành lập nhằm bảo vệ các thành viên của mình về những vấn đề liên quan đến quan hệ lao động./.
Đánh giá bài viết

0965.67.9698