Tuvandoanhnghiep.com.vn - Thay đổi giấy phép kinh doanh

Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người lao động

Trên cơ sở kế thừa các quy định của Bộ luật lao động năm 2012, Bộ luật lao động năm 2019, đã sửa đổi một số quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong chương VII. Theo đó, ngoài thay đổi cơ cấu các mục (chỉ còn 3 mục thay vì 4 mục như Bộ luật lao động năm 2012.

  1. Quy định về tăng thời giờ làm việc trong tháng

Điểm b Khoản 2 Điều 107 Bộ luật lao động năm 2019 quy định: “Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày, trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm thêm việc bình thường theo tuần thì tổng số thời giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày, không quá 40 giờ trong 1 tháng”.

So với quy định của Bộ luật lao động năm 2012, quy định của Bộ luật lao động năm 2019 đã bổ sung thêm điểm mới là tăng số giờ làm thêm tối đa trong tháng lên 40 giờ (thay vì là 30 giờ như Bộ luật lao động năm 2012). Quy định này đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp trong thời gian qua.

Bộ luật lao động năm 2019 chưa tăng thời gian làm thêm trong năm do việc tăng giờ làm thêm ảnh hưởng tới thể chất, sức khỏe nghề nghiệp của người lao động và có thể gây ra thiếu việc làm do doanh nghiệp của người lao động không muốn tuyển mới lao động mà huy động người lao động hiện có làm thêm giờ, thì việc tăng thời gian làm thêm trong tháng là một giải pháp hợp lý.

Điều đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp được huy động người lao động tăng ca liên tục trong vài tháng thời vụ (mỗi tháng 40 giờ) đến hết quỹ thời giờ làm thêm trong năm (không quá 200 giờ), một số trường hợp không quá 300 giờ). Đồng thời quy đinh này góp phần khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ và bảo đảm sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài cho người lao động.

  1. Bổ sung trường hợp được làm thêm giờ 300 giờ/năm

Được quy định cụ thể tại Khoản 3 Điều 107 Bộ luật lao động năm 2019.

Trước đây, các trường hợp được làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm quy định tại Điều 4 Nghị định số 45/2013/NĐ-CP.

Như vậy, mặc dù Bộ luật lao động năm 2019 vẫn giữ nguyên số giờ làm thêm trong năm như trước đây, song với việc mở rộng các trường hợp được làm thêm tối đa 300 giờ/năm như thế này đã đáp ứng được yêu cầu về thời gian của các đơn đặt hàng từ nước ngoài. Đó là các doanh nghiệp thuộc các ngành như dệt may, da, giày…

Tuy nhiên trong thực tế bài toán cân đối giữa nhu cầu làm thêm của doanh nghiệp hiện nay trong bối cảnh hội nhập quốc tế  với việc bảo vệ sức khỏe người lao động vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Nếu không có quy định phù hợp sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp vi phạm các quy định về số giờ làm thêm, từ đó dẫn đến tranh chấp lao động, đình công.

Bởi vậy, về lâu dài Bộ luật lao động cũng cần có quy định phù hợp hơn theo hướng tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên về số giờ làm thêm, chỉ trừ một số trường hợp.

  1. Sửa đổi quy định vè thời gian nghỉ trong giờ làm việc

Khoản 1 Điều 109 Bộ luật lao động năm 2019 quy định: “Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật này từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục. Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc”.

Thời gian nghỉ trong giờ làm việc là khoảng thời gian người lao động tạm dừng thực hiện công việc để nghỉ ngơi, ăn uống hoặc thực hiện các nhu cầu cần thiết khác nhằm hồi phục sức lao động sau đó lại quay lại tiếp tục làm việc. So với quy định của Bộ luật lao động năm 2012 thì quy định trong Bộ luật lao động năm 2019 đã có sự thay đổi.

Thực tế nhiều doanh nghiệp thời gian qua đã có cách hiểu không thống nhất về “thời gian làm việc liên tục 8 giờ hoặc 6 giờ” để thời gian được nghỉ “tính vào thời giờ làm việc”. Từ đó, nhiều doanh nghiệp đã “lách luật” bằng cách tổ chức lao động theo các phương án làm việc trong ca không liên tục 8 giờ hoặc 6 giờ để không tính thời gian nghỉ này (30 phút đối với ca ngày và 45 phút đối với ca đêm) là thời giờ làm việc cho người lao động. Từ đó đã dẫn đến tranh chấp lao động, thậm chí đình công.

Để khắc phục bất cập nêu trên, Bộ luật lao động năm 2019 đã quy định rõ ràng hơn, tạo ra cách hiểu thống nhất cho các doanh nghiệp, từ đó đảm bảo tốt hơn quyền lợi nghỉ trong giờ làm việc cho người lao động.

  1. Tăng số ngày nghỉ Quốc khánh lên 2 ngày

Điểm đ Khoản 1 Điều 112 Bộ luật lao động năm 2019 quy định người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày lễ Quốc khánh: 02 ngày (ngày 2 tháng 9 dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau).

Như vậy, Bộ luật lao động năm 2019 đã tăng 01 ngày so với quy định của Bộ luật lao động năm 2012.

Việc tăng thêm 1 ngày nghỉ lễ trong năm đối với người lao động Việt Nam còn thể hiện sự phù hợp với quy định của các quốc gia trên thế giới. Bởi số ngày nghỉ lễ, tết ở Việt Nam hiện nay vẫn ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới.

Việc tăng thêm 1 ngày nghỉ cũng giúp cho người lao động có thêm ngày nghỉ trong năm để nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, có thêm thời gian chăm lo cho gia đình và góp phần kích thích các ngành kinh tế dịch vụ phát triển.

  1. Sửa đổi, bổ sung quy định nghỉ việc riêng được hưởng nguyên lương

Bộ luật lao động năm 2019 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật lao động 2012 về các trường hợp người lao động nghỉ việc được hưởng nguyên lương. Cụ thể tại Điều 115 Bộ luật lao động năm 2019 đã có một số điểm mới như sau:

  • Bổ sung trường hợp “cha nuôi, mẹ nuôi chết” (Điểm c Khoản 1 Điều 115).
  • Quy định rõ trường hợp “Con kết hôn: nghỉ 1 ngày” sẽ bao gồm cả con đẻ và con nuôi (Điểm b Khoản 1 Điều 115).
  • Quy định rõ trường hợp “bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết” sẽ bao gồm cả cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, me nuôi của vợ hoặc chồng” (Điểm c Khoản 1 Điều 115).
  • Quy định bổ sung thêm một số trường hợp và cụ thể hơn một số đối tượng như vậy, Bộ luật lao động năm 2019 đã bao quát được hết các đối tượng thuộc diện thân nhân của người lao động, tránh bỏ sót đối tượng. Như thế sẽ bảo đảm hơn quyền lợi cho người lao động về thời gian nghỉ để giải quyết các công việc riêng của bản thân và gia đình./.
Đánh giá bài viết

096 567 9698