Tuvandoanhnghiep.com.vn - Thay đổi giấy phép kinh doanh

Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu

Điều 49 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 quy định về việc nhận diện các trường hợp hợp đồng lao động đã giao kết bị vô hiệu. Đây là cơ sở để các bên xem xét khi có xảy ra tranh chấp.

  1. Hợp đồng lao động vô hiệu

Có 2 trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu, đó là vô hiệu toàn bộ và vô hiệu từng phần.

  1. Hợp đồng vô hiệu toàn bộ nếu rơi vào 1 trong 3 trường hợp sau đây:
  • Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật;
  • Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều 15 của BLLĐ;
  • Công việc mà hai bên đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc bị pháp luật cấm.

Căn cứ khoản 1 Điều 21 thì hợp đồng lao động phải có 10 nội dung chủ yếu sau đây:

  • Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
  • Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
  • Công việc và địa điểm làm việc;
  • Thời hạn của hợp đồng lao động;
  • Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
  • Chế độ nâng bậc, nâng lương;
  • Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
  • Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
  • Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
  • Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

Như vậy, đối chiếu với ba trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ thì rõ ràng trường hợp đầu tiên ít khi xảy ra vì ít nhất thì nội dung về tên của hai bên giao kết hợp đồng lao động thường không vi phạm pháp luật.

Hai trường hợp còn lại sẽ xảy ra nhiều hơn, nhất là trường hợp thứ 2. Đây là trường hợp Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động được quy định  đó là: Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.

Trong khi trường hợp thứ 3, thường sẽ chỉ áp dụng đối với lao động chưa thành niên và pháp luật quy định cụ thể danh mục công việc cấm sử dụng lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi.

  1. Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần

Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần nếu nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng. Như vậy, nếu nội dung của hợp đồng lao động có quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn quy định của pháp luật về lao động hoặc pháp luật khác thì chỉ riêng một phần nội dung đó bị vô hiệu, hợp đồng lao động đã giao kết vẫn còn hiệu lực và các nội dung khác vẫn được thực hiện theo đúng thỏa thuận đã giao kết.

  1. Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu

Căn cứ Điều 50 BLLĐ năm 2019, Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu. Để tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, pháp luật quy định về thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu để có cơ sở giải quyết quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên liên quan.

Điều 50 BLLĐ năm 2019 chỉ quy định duy nhất Tòa án nhân dân mới có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu (khác với Điều 51 của BLLĐ năm 2012 quy định hai cơ quan có thẩm quyền là Thanh tra lao động và Tòa án nhân dân). Việc chỉ quy định thẩm quyền duy nhất của Tòa án nhân dân là điểm mới của BLLĐ năm 2019 và phù hợp với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Tuy nhiên, quy định này phần nào làm giảm đi cơ hội và thời gian bảo vệ quyền lợi của người lao động vì trình tự, thủ giải quyết thực tế tại Tòa án sẽ rất mất thời gian, trong khi, với nhiều trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu thì mục đích là việc nhanh chóng bảo đảm tiền lương, điều kiện làm việc với người lao động mới là mục đích cuối cùng. Việc bãi bỏ thẩm quyền thanh tra lao động và làm hạn chế sự phát hiện của thanh tra lao động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra việc chấp hành pháp luật về lao động, giải quyết khiếu nại, tố cáo về lao động theo quy định của BLLĐ.

Nhiều vụ việc giao kết hợp đồng lao động sai loại, ký kết không đúng thẩm quyền, công việc đã giao kết theo hợp đồng lao động làm cho người lao động phải thực hiện bảo đảm bằng tiền, bằng tài sản hoặc người sử dụng lao động giữ bản chính giấy tờ tùy thân… dù có được thanh tra lao động phát hiện nhưng do không có thẩm quyền tuyên bố vô hiệu nên sẽ không hướng dẫn các bên giao kết lại hợp đồng lao động để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động./.

Đánh giá bài viết

096 567 9698