Tuvandoanhnghiep.com.vn - Thay đổi giấy phép kinh doanh

Quy định về trả lương cho người lao động

Tiền lương của người lao động trong quan hệ lao động thông thường được thể hiện trên hai khía cạnh “đầu vào” và “đầu ra”. Điều 95 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 quy định về trả lương cho người lao động.

Điều 95. Trả lương

1. Người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc.

2. Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động bằng tiền Đồng Việt Nam, trường hợp người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì có thể bằng ngoại tệ.

3. Mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).

Ở khía cạnh “đầu vào, tiền lương được thể hiện thông qua hợp đồng lao động hoặc các hình thức thỏa thuận hợp pháp khác với các yếu tố định trước ở điều kiện bình thường về việc làm, thời gian làm việc đầy đủ, chất lượng công việc bình thường… Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện, tiền lương thực tế thường có sự dao động xung quanh thỏa thuận, có thể nhiều hơn hoặc ít hơn, tốt hơn hoặc xấu hơn so với những gì đặt ra trong thoả thuận ban đầu, khi đó việc đánh giá tình hình thực hiện công việc sẽ được dựa trên những nguyên tắc đã thoả thuận và các nội quy, quy chế khác để xác định tiền lương thực trả cho người lao động, đó chính là khía cạnh “đầu ra” của tiền lương.

Tiền lương của người lao động nhận được phụ thuộc ở cả khía cạnh “đầu vào” và “đầu ra”. Theo đó, tại khoản 1 Điều 95 BLLĐ năm 2019 quy định “người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc”.

Hình thức thể hiện tiền lương của người lao động là tiền đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ. Điều 3 Công ước số 95 về bảo vệ tiền lương của ILO quy định “Các loại lương có thể trả bằng tiền chỉ được trả bằng loại tiền được lưu hành hợp pháp. Việc trả lương dưới hình thức kỳ phiếu, trái phiếu, tem phiếu hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác coi như thay cho tiền đang lưu hành hợp pháp đều bị cấm”.

Theo đó, khoản 2 Điều 95 quy định: “Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động bằng tiền Đồng Việt Nam, trường hợp người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì có thể bằng ngoại tệ” là sự cụ thể hóa Công ước số 95 của ILO vào điều kiện kinh tế – xã hội Việt Nam, gắn chặt với chính sách tiền tệ, pháp luật quản lý ngoại hối của Việt Nam.

Hai nội dung trên quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 95 của BLLĐ năm 2019 về cơ bản không có gì mới so với BLLĐ năm 2012 và các văn bản hướng dẫn. Riêng ở khoản 3 quy định “mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có)” là sự bổ sung quan trọng, đây vừa là sự cụ thể hóa quy định tại khoản 1 Điều 8 (những người lao động phải được thông báo theo cách mà cơ quan có thẩm quyền coi là thích hợp nhất về những điều kiện và những giới hạn mà những khấu trừ đó có thể được tiến hành).

Điểm a khoản 1 Điều 14 (nếu cần phải có những biện pháp hữu hiệu để thông báo cho lao động biết một cách thích hợp và dễ hiểu: mỗi kỳ trả lương, thành phần tiền lương của họ trong kỳ trả đó, nếu các thành phần đó có thể thay đổi) của Công ước số 95 về bảo vệ tiền lương của ILO, vừa xuất phát từ điều kiện thực tế của Việt Nam trong thời gian qua, việc trả lương của người sử dụng lao động thường không kèm các bảng kê để người lao động có căn cứ đối chiếu cụ thể dẫn đến các thắc mắc chấp phát sinh, do đó việc bổ sung quy định này có phần tăng thêm trách nhiệm cho người sử dụng lao động song cũng sẽ góp phần tích cực cho việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp./.

Đánh giá bài viết

096 567 9698