Điều lệ được coi là bản “Hiến pháp” trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, chứa đựng những nội dung, chuẩn mục mà các quyết định nội bộ của doanh nghiệp.
Điều lệ bao gồm: Điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp và Điều lệ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoạt động. Nội dung của Điều lệ công ty phải bao gồm các nội dung chủ yếu được quy định chi tiết tại Khoản 2 Điều 24 Luật doanh nghiệp năm 2020.
Luật Doanh nghiệp 2020 đã ban hành thêm nhiều quy định mới, sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số quy định so với Luật Doanh nghiệp 2014. Những thay đổi trong nội dung Điều lệ công ty trong Luật doanh nghiệp năm 2020 cụ thể như sau:
- Về ban kiểm soát trong công ty TNHH
So với quy định tại Luật doanh nghiệp năm 2014 thì Luật doanh nghiệp năm 2020 đã đã thay đổi quy định về Ban kiểm soát trong công ty TNHH đó là: Công ty TNHH hai thành viên trở lên có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Công ty TNHH hai thành viên trở lên là doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 88 và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại Khoản 1 Điều 88 của Luật doanh nghiệp năm 2020 phải thành lập Ban kiểm soát, các trường hợp khác do công ty quyết định.
Như vậy, so với quy định tại Luật doanh nghiệp năm 2014 thì quy định về ban kiểm soát trong công ty TNHH có sự thay đổi đó là: thay vì quy định công ty TNHH có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát, trường hợp ít hơn 11 thành viên, có thể thành lập Ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị công ty thì Luật doanh nghiệp năm 2020 chỉ quy định về trường hợp công ty TNHH hai thành viên trở lên là doanh nghiệp là doanh nghiệp nhà nước và công ty con của doanh nghiệp nhà nước là phải thành lập ban kiểm soát, còn các trường hợp khác thì do công ty quyết định.
Có thể thấy Luật doanh nghiệp năm 2020 đã không còn bắt buộc các công ty TNHH phải thành lập Ban kiểm soát mà là do công ty tự quyết định chỉ trừ trường hợp là doanh nghiệp nhà nước và công ty con của doanh nghiệp nhà nước.
Điều này là hợp lý bởi vì, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp xét thấy không cần thiết vẫn có thể quản lý được thì không cần thành lập ban kiểm soát.
- Cách xác định nghị quyết được thông qua
Theo quy định tại Luật doanh nghiệp năm 2020 thì Nghị quyết của Hội đồng thành viên công ty TNHH một thành viên được thông qua khi có trên 50% số thành viên dư họp tán thành hoặc số thành viên dự họp sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết tán thành.
Như vây so với quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014 thì Luật doanh nghiệp năm 2020 đã sửa đổi về thuật ngữ từ có “hơn một nửa số thành viên dự họp tán thành” thành có trên 50% số thành viên dự họp tán thành hoặc số thành viên dự họp sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết tán thành.
Về quy định một nữa số thành viên dự họp tán thành thì không có gì thay đổi về mặt nội dung chỉ có thay đổi về mặt thuật ngữ, nhưng Luật doanh nghiệp năm 2020 đã bổ sung thêm trường hợp mà Nghị quyết của Hội đồng thành viên được thông qua đó là số thành viên dự họp sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết tán thành.
Việc bổ sung thêm quy định như thế này nhằm tạo điều kiện cho việc thông qua Nghị quyết của công ty không chỉ trường hợp có trên 50% số thành viên dự họp tán thành mà còn có thể dựa trên tổng số phiếu biểu quyết.
- Về quyền lợi cổ đông, nhóm cổ đông
Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định cố đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý.
Luật doanh nghiệp năm 2020 đã thay đổi quy định này thành: “Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý”.
Như vậy, so với Luật doanh nghiệp năm 2014 thì Luật doanh nghiệp năm 2020 đã sửa đổi nội dung từ “10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên lục ít nhất 6 tháng” thành từ “05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên”.
Luật doanh nghiệp năm 2020 đã giảm bớt điều kiện để thực hiện quyền yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp Hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý.
Có thể thấy Luật doanh nghiệp năm 2020 đã quan tâm đến quyền lợi của cổ đông, các thành viên công ty…hơn bằng việc dễ dàng triệu tập cuộc hợp Đại hội đồng cổ đông khi có sự vi phạm nghiệm trọng về quyền của cổ đông và nghĩa vụ của người quản lý.
- Về quy định quyền và nghĩa vụ của từng người đại diện pháp luật trong trường hợp Điều lệ công ty chưa có quy định rõ ràng
Luật doanh nghiệp năm 2014 thì không có quy định về vấn đề này, nhưng Luật doanh nghiệp năm 2020 đã có nội dung cụ thể quy định về vấn đề này đó là: Nếu công ty có nhiều hơn 1 người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật.
Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Việc quy định như thế này nhằm đảm bảo sự bình đẳng quyền và nghĩa vụ của người đại diện, và nếu như khi có tranh chấp xảy ra với bên thứ ba thì dựa vào các quy định để phân biệt trách nhiệm của từng người đại diện theo pháp luật nếu không các người đại diện theo pháp luật phải liên đới chịu trách nhiệm. Đây là một điểm tiến bộ so với quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014./.