Tuvandoanhnghiep.com.vn - Thay đổi giấy phép kinh doanh

Quy định mới về đầu tư ra nước ngoài theo Luật đầu tư năm 2020

Hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài được hiểu là nhà đầu tư Việt Nam thực hiện thành lập hoặc tham gia góp vốn vào tổ chức kinh tế ở nước ngoài, trực tiếp điều hành, quản trị tổ chức kinh tế ở nước ngoài, sử dụng tiền, máy móc, thiết bị để thực hiện góp vốn. Vậy khi thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài các nhà đầu tư phải có những lưu ý với quy định mới theo Luật đầu tư năm 2020.

  1. Ngành, nghề bị cấm đầu tư ra nước ngoài

Bổ sung các ngành, nghề bị cấm đầu tư ra nước ngoài, được quy định cụ thể tại Điều 53 Luật đầu tư năm 2020 bao gồm:

  • Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Điều 6 Luật đầu tư năm 2020 và các điều ước quốc tế có liên quan;
  • Ngành, nghề có công nghệ, sản phẩm thuộc đối tượng cấm xuất khẩu theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương;
  • Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.

Việc ghi nhận này vừa hướng đến việc tuân thủ nguyên tắc đầu tư nói chung, chống lại các hoạt động đầu tư gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế – văn hóa- xã hội cũng như các hiệp ước Việt Nam tham gia ký kết, là thành viên.

Vì vậy, trước khi thực hiện đầu tư ra nước ngoài, các nhà đầu tư cần rà soát, đối chiếu ngành nghề dự định đầu tư với Điều 6 Luật đầu tư năm 2020, các điều ước quốc tế có liên quan, danh sách cấm xuất khẩu theo quy định của pháp luật về ngoại thương và danh sách ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh của nước tiếp nhận đầu tư để lựa chọn ngành nghề đầu tư phù hợp nhất.

  1. Ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện

Bổ sung ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện, được quy định cụ thể tại Điều 54 Luật đầu tư năm 2020.

Nhà đầu tư có thể thực hiện đầu tư ra nước ngoài nhưng phải đáp ứng điều kiện riêng biệt để đảm bảo nguồn vốn, nguồn lực quan trọng của Nhà nước.

Các ngành nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện bao gồm:

  • Ngân hàng
  • Bảo hiểm
  • Chứng khoán
  • Báo chí
  • Phát thanh
  • Truyền hình
  • Kinh doanh bất động sản

Điều kiện chủ đầu tư ra nước ngoài của các ngành, nghề nêu trên được quy định trong các quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Chính vì vậy các nhà đầu tư cần xem xét để lựa chọn ngành nghề đầu tư phù hợp.

  1. Chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài

Bổ sung nội dung thẩm tra đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài. Đó là các dự án này phải được Quốc hội phê duyệt (quy định cụ thể tại Khoản 6 Điều 57 Luật đầu tư năm 2020).

Theo đó, nội dung thẩm định bao gồm:

  • Việc đáp ứng tiêu chí xác định dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội
  • Sự cần thiết thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài
  • Sự phù hợp của dự án đầu tư với quy định tại Khoản 1 Điều 51 của Luật đầu tư năm 2020
  • Hình thức, quy mô, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án đầu tư, vốn đầu tư ra nước ngoài, nguồn vốn
  • Đánh giá mức độ rủi ro tại nước tiếp nhận đầu tư
  • Cơ chế, chính sách đặc biệt, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và điều kiện áp dụng (nếu có)

Đối với các dự án này, Chính phủ cũng phải thực hiện theo nội dung được ghi nhận tại Khoản 7 Điều 58 Luật đầu tư năm 2020. Chính phủ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu phục vụ cho việc thẩm tra, giải trình về những vấn đề thuộc nội dung dự án đầu tư khi cơ quan chủ trì thẩm tra của Quốc hội yêu cầu.

Quốc hội sẽ xem xét thông qua nghị quyết về chấp thuận chủ trương đầu tư đầu tư ra nước ngoài với khía cạnh cơ bản: Nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu và địa điểm đầu tư, vốn và nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài, cơ chế, chính sách đặc biệt, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và điều kiện áp dụng nếu có.

Các nội dung thẩm tra chính là các tiêu chí để tiến hành đánh giá về dự án đầu tư của các nhà đầu tư. Nói cách khác, chỉ khi dự án đầu tư của các nhà đầu tư đáp ứng được các tiêu chí này thì việc chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài mới được thông qua. Do đó, các nhà đầu tư khi xây dựng dự án đầu tư cần chú trọng và đảm bảo các nội dung này.

  1. Nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư

Xác định rõ ràng hiệu lực của văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư. Căn cứ Khoản 5 Điều 60 Luật đầu tư 2020 theo đó, một trong những điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Có văn bản của cơ quan thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của nhà đầu tư và thời điểm xác nhận của cơ quan thuế là không quá ba tháng tính đến ngày nộp hồ sơ của dự án đầu tư. Tuy đây là một điểm bổ sung nhỏ nhưng các nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý để tránh xảy ra sai sót khi thực hiện dự án đầu tư ra nước ngoài.

  1. Trường hợp điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài

Liệt kê một cách cụ thể, chi tiết các trường hợp điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Theo đó Khoản 1 Điều 63 Luật đầu tư năm 2020 liệt kê cụ thế các trường hợp phải điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài bao gồm:

  • Thay đổi nhà đầu tư Việt Nam.
  • Thay đổi hình thức đầu tư.
  • Thay đổi vốn đầu tư ra nước ngoài, nguồn vốn đầu tư, hình thức vốn đầu tư.
  • Thay đổi địa điểm thực hiện hoạt động đầu tư đối với các dự án đầu tư yêu cầu phải có địa điểm đầu tư.
  • Thay đổi mục tiêu chính của hoạt động đầu tư ở nước ngoài.
  • Sử dụng lợi nhuận đầu tư ở nước ngoài theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 67 Luật đầu tư năm 2020. Việc tách bạch và liệt kê chi tiết như Luật đầu tư năm 2020 sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xác định được các trường hợp áp dụng cũng như các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ dự án của mình.

Cụ thể tại Khoản 1 Điều 67 Luật đầu tư năm 2020 quy định: Nhà đầu tư được giữ lại lợi nhuận thu từ đầu tư ở nước ngoài để tái đầu tư trong trường hợp sau đây:

  • Tiếp tục góp vốn đầu tư ở nước ngoài trong trường hợp chưa góp đủ vốn theo đăng ký.
  • Tăng vốn đầu tư ra nước ngoài.
  • Thực hiện dự án đầu tư mới ở nước ngoài.
  1. Triển khai hoạt động đầu tư ở nước ngoài

Luật đầu tư năm 2020 bổ sung một số quy định mới về triển khai hoạt động đầu tư ở nước ngoài.

  • Về việc mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài (quy định tại Điều 65 Luật đầu tư năm 2020) cụ thể: nhà đầu tư mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài tại một tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.
  • Về việc chuyển lợi nhuận về nước: bổ sung thêm nguyên tắc quá thời hạn (quy định tại Khoản 1 Điều 68 Luật đầu tư năm 2020) mà chưa chuyển lợi nhuận về nước và không thông báo hoặc trường hợp quá thời hạn được kéo dài (quy định tại Khoản 2 Điều 68 Luật đầu tư năm 2020) mà nhà đầu tư chưa chuyển lợi nhuận về nước thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
  • Bổ sung các trường hợp sử dụng lợi nhuận ở nước ngoài (quy định tại Điều 67 Luật đầu tư năm 2020). Nhà đầu tư được phép sử dụng lợi nhuận để thực hiện việc tiếp tục góp vốn đầu tư ở nước ngoài trong trường hợp chưa góp đủ vốn theo đăng ký hoặc tăng vốn đầu tư ra nước ngoài hoặc thực hiện dự án đầu tư mới ra nước ngoài.

Hoạt động đầu tư quốc tế ngày càng phát triển mạnh mẽ sẽ giúp cho các doanh nghiệp phát huy được thế mạnh của các sản phẩm của doanh nghiệp, đặc biệt là những sản phẩm truyền thống, sản phẩm riêng có của quốc gia.

Chính vì vậy, để hạn chế những rủi ro, thách thứ đặc biệt là những khác biệt về văn hóa, pháp luật, môi trường thì các doanh nghiệp cần tuân thủ tốt pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế để phòng ngừa những tranh chấp có thể xảy ra trong quá trình đầu tư./.

KHD Law

Đánh giá bài viết

096 567 9698