Tuvandoanhnghiep.com.vn - Thay đổi giấy phép kinh doanh

Quy định mới về thủ tục cấp, điều chỉnh và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là một loại giấy phép hoạt động được cơ quan có thẩm quyền ban hành cho những chủ thể là cá nhân hoặc tổ chức đáp ứng đủ các điều kiện mà pháp luật quy định, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là một trong những giấy tờ cần thiết để có thể thành lập một công ty nước ngoài ở Việt Nam.

Đây là một loại giấy tờ không thể thiếu khi một cá nhân hoặc một tổ chức nước ngoài nào có nhu cầu thành lập công ty tại Việt Nam. Hiện nay Luật đầu tư năm 2020 đã có những điểm mới quy định về thủ tục cấp, điều chỉnh và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

  1. Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Điểm mới về điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư. Theo quy định tại Luật đầu tư năm 2014, nếu các dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội hoặc Thủ tướng chính phủ hoặc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thì đều có thể thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà không phải đáp ứng thêm bất kỳ điều kiện nào.

Tuy nhiên, Luật đầu tư năm 2020 quy định nếu dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư thì để được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cần phải đáp ứng những điều kiện được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 38 Luật đầu tư năm 2020 gồm:

  • Dự án đầu tư không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
  • Có địa điểm thực hiện dự án đầu tư.
  • Dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt (nếu có).
  • Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất, số lượng lao động sử dụng (nếu có).
  • Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Có thể thấy rằng, Luật đầu tư năm 2020 đã quy định rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ hơn trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư. Các nhà đầu tư cần lưu ý nắm bắt các tiêu chí này để xây dựng dự án đầu tư đảm bảo các yêu cầu của pháp luật.

  1. Thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Bổ sung các quy định mới về thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Các quy định mới về thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 39 Luật đầu tư năm 2020, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Theo đó, cơ quan đăng ký đầu tư là nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư được phép cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư trong 3 trường hợp.

Nhiều hơn so với quy định tại Luật đầu tư năm 2014 là 1 trường hợp cụ thể là dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc không thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

Ngoài ra, thay vì xác định cụ thể chủ thể thực hiện việc cấp, điều chỉnh, thu hồi là Sở kế hoạch và đầu tư như Luật đầu tư năm 2014 thì Luật đầu tư năm 2020 đã thay thế bằng Cơ quan đăng ký đầu tư.

Sự bổ sung này giúp cho việc đăng ký cấp, điều chỉnh và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực hiện nhanh chóng, giúp cho nhà đầu tư tiết kiệm chi phí và thời gian.

Việc sử dụng thuật ngữ Cơ quan đăng ký đầu tư cũng mang tính chính xác hơn, phù hợp hơn với thực tế.

Ngoài ra với nội dung này cũng xác định rõ cơ quan tiếp nhận hồ sơ để cấp, điều chỉnh và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (trừ trường hợp quy định tại Điều 34 và Điều 35 Luật đầu tư năm 2020).

Tại Khoản 3 Điều 38 Luật đầu tư năm 2014 quy định: Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư tiếp nhận, cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đối với dự án đầu tư sau đây:

  • Dự án đầu tư thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
  • Dự án đầu tư xuất hiện ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế.
  1. Điều chỉnh dự án đầu tư

Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến điều chỉnh dự án đầu tư. Luật đầu tư năm 2020 sử dụng thuật ngữ “Điều chỉnh dự án đầu tư” thay thế cho thuật ngữ “Điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư” trong Luật đầu tư năm 2014.

Cụ thể Khoản 4 Điều 40 Luật đầu tư năm 2014 quy định: Đối với các dự án thuộc diện phải quyết định chủ trương đầu tư, khi điều chỉnh dự án đầu tư liên quan đến mục tiêu, địa điểm đầu tư, công nghệ chính, tăng hoặc giảm vốn đầu tư trên 10% tổng số vốn đầu tư, thời hạn thực hiện, thay đổi nhà đầu tư hoặc thay đổi điều kiện đối với nhà đầu tư (nếu có), cơ quan đăng ký đầu tư thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư trước khi điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Một số điểm mới về điều chỉnh dự án đầu tư đó là:

(1) Làm rõ các trường hợp phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư bao gồm:

  • Thay đổi mục tiêu đã được quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư; bổ sung mục tiêu thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư.
  • Thay đổi quy mô diện tích đất sử dụng trên 10% hoặc trên 30 ha, thay đổi địa điểm đầu tư.
  • Thay đổi vốn đầu tư từ 20% trở lên làm thay đổi quy mô dự án đầu tư.
  • Kéo dài tiến độ thực hiện dự án đầu tư mà tổng thời gian đầu tư dự án vượt quá 12 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu.
  • Điều chỉnh thời hạn hoạt động của dự án đầu tư
  • Thay đổi công nghệ đã được thẩm định, lấy ý kiến trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư.
  • Thay đổi nhà đầu tư của dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư trước khi dự án khai thác, vận hành hoặc thay đổi điều kiện đối với nhà đầu tư (nếu có).

(2) Liệt kê rõ các trường hợp mà chủ đầu tư được phép kéo dài tiến độ đầu tư (quy định tại Khoản 4 Điều 41 Luật đầu tư năm 2020) bao gồm:

  • Để khắc phục hậu quả trong từng trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật về đất đai.
  • Điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư do nhà đầu tư chậm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
  • Điều chỉnh tiên độ thực hiện dự án dầu tư theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan nhà nước chậm thực hiện thủ tục hành chính.
  • Điều chỉnh dự án đầu tư do cơ quan nhà nước thay đổi quy hoạch.
  • Thay đổi mục tiêu đã được quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, bổ sung mục tiêu thuộc diện chấp thuận chủ trương đâu tư.
  • Tăng tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên làm thay đổi quy mô dự án đầu tư.

Đây là một điểm mới mà nhà đầu tư cần phải lưu ý theo quy định của Luật đầu tư năm 2020. Trước đây theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 Luật đầu tư không quy định cụ thể các trường hợp được phép điều chỉnh tiến độ.

Nói cách khác, việc cho phép điều chỉnh tiến độ được xem xét dựa trên các tiêu chí nhất định và phụ thuộc vào nhân định chủ quan từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, ngoài các trường hợp tại Khoản 4 Điều 41 Luật đầu tư năm 2020 thì việc giãn tiến độ đầu tư là không được phép. Do vậy, các nhà đầu tư cần hết sức thận trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, tránh tình trạng chủ qua dẫn đến quá tiến độ trong trường hợp không theo quy định của pháp luật để ảnh hưởng đến dự án đầu tư và phải chịu những chế tài nhất định từ quan nhà nước có thẩm quyền.

(3) Xác định rõ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư

Luật đầu tư năm 2020 xác định rõ: Cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư là cơ quan có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư (thay thế cho quy định chung chung là “cơ quan đăng ký đầu tư” tại Luật đầu tư năm 2014). Quy định này hợp lý hơn vì đảm bảo sự lô-gic và chịu trách nhiệm xuyên suốt cho cơ quan có thâm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trường hợp ngoài lệ là các dự án đầu tư điều chỉnh mà dẫn đến dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của cấp cao hơn thì cấp đó có thẩm quyền chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.

(4) Làm rõ các bước mà nhà đầu tư cần thực hiện, cụ thể:

  • B1: Phải tiến hành thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư đã được điều chỉnh.
  • B2: Thực hiện điều chỉnh dự án đầu tư.

Như vậy, Luật đầu tư năm 2020 đã quy định một cách rõ ràng, chi tiết về thủ tục cấp, điều chỉnh và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Các nhà đầu tư cần lưu ý và thực hiện sao cho đúng theo quy định của pháp luật./.

KHD Law

Đánh giá bài viết

096 567 9698