Quan hệ lao động hiểu theo nghĩa rộng bao gồm nhiều mối hệ xã hội khác nhau giữa con người với con người trong quá trình động.
- Quan hệ lao động
Khoản 5 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức đại diện của các bên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quan hệ lao động bao gồm quan hệ lao động cá nhân và quan hệ lao động tập thể.
Như vậy, quan hệ lao động do luật lao động điều chỉnh là mối quan hệ nảy sinh chủ yếu trong thị trường lao động, hình thành trên cơ sở sự thỏa thuận và sự tương tác của các chủ thể liên quan (người lao động hoặc/và tổ chức đại diện người lao động – người sử dụng – động hoặc/và tổ chức đại diện người sử dụng lao động – Nhà nước). Theo đó, các mối quan hệ có thể chỉ là giữa hai bên nhưng cũng có thể là ba bên.
Quan hệ lao động cá nhân là mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động có đủ năng lực và điều kiện chủ thể theo quy định của pháp luật lao động. Mối quan hệ này hình thành trên cơ sở thỏa thuận nhằm đáp ứng nhu cầu trong việc thuê mướn, sử dụng lao động và có trả lương.
Quan hệ lao động tập thể là mối quan hệ giữa đại diện tập thể người lao động với người sử dụng lao động/ đại diện người sử dụng lao động. Tư cách chủ thể đại diện trong mối quan hệ này được pháp luật lao động ghi nhận và đảm bảo thực hiện. Nội dung mối quan hệ này hướng đến lợi ích chung của tập thể lao động, trên cơ sở xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và chia sẻ quyền lợi cũng như trách nhiệm. Quan hệ lao động cá nhân và quan hệ lao động tập thể liên hệ mật thiết với nhau, tạo tiền đề và hỗ trợ nhau cùng phát triển.
- Người làm việc không có quan hệ lao động
Khoản 6 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Người làm việc không có quan hệ lao động là người làm việc không trên cơ sở thuê mướn bằng hợp đồng lao động.
Người làm việc không có quan hệ lao động là nhóm đối tượng mới được quy định là đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động. Theo đó, nhóm đối tượng này là những người làm việc theo hình thức thỏa thuận dịch vụ dân sự, người tự tạo việc làm, xã viên hợp tác xã…
Về phương diện lao động, họ là người tự bố trí công việc, tự quản lý quá trình lao động… và cũng vì thế, về nguyên tắc họ tự chịu trách nhiệm cũng như thụ hưởng các quyền lợi phát sinh trong quan hệ mà họ tham gia. Tuy nhiên, tùy từng nội dung quan hệ cụ thể mà áp dụng phù hợp các quy định của Bộ luật Lao động với nhóm đối tượng này./.