Tuvandoanhnghiep.com.vn - Thay đổi giấy phép kinh doanh

Pháp luật về hoạt động cho vay

Danh từ “tín dụng” xuất phát từ định nghĩa tín dụng của một nhà kinh tế pháp Louis Baundin đó là “Một sự trao đổi tài hoá hiện tại lấy một tài hoá tương lai”. Ở đây, có yếu tố thời gian xen lẫn vào để khi có sự bất trắc, rủi ro xảy ra thì cần có sự tín nhiệm và sử dụng sự tín nhiệm của nhau cho việc trao đổi.

Ở Việt Nam thì quy định hoạt động cho vay là một hình thức cấp tín dụng, theo đó ngân hàng cho vay giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích và thời gian nhất định theo thoả thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi.

Định nghĩa trên được các ngân hàng và tổ chức tín dụng khác áp dụng để làm tiền đề căn bản cho các hoạt động cho vay của mình. Hoạt động cho vay được quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhành ngân hàng nước ngoài đói với khách hàng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này chúng tôi sẽ giới thiệu cho các bạn qua bài viết dưới đây.

  1. Lịch sử pháp luật về hoạt động cho vay

Cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc lẫn lãi.

Từ tháng 01/1996 hoạt động cho vay của các tổ chức ngân hàng, tín dụng, công ty tài chính và hoạt động cho vay vốn của các cơ sở khác được pháp luật cho phép (trừ hoạt động kinh doanh cầm đồ) không phải nộp thuế doanh thu (nay là thuế giá trị gia tăng).

Từ tháng 10/2000 đến tháng 4/2011 pháp luật quy định cho phép việc huy động vốn và cho vay bằng vàng.

Trong giai đoạn 1998 – 2016 quy định về cho vay được gọi là quy chế, đồng thời ban hành một số văn bản chung cho các lĩnh vực và thời hạn vay.

Từ ngày 15/3/2017 khách hàng vay vốn tổ chức tín dụng chỉ gồm hai nhóm là pháp nhân và cá nhân. Điều này là hoàn toàn phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, chủ thể giao dịch dân sự chỉ còn pháp nhân và cá nhân. Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy qyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Bên cạnh Bộ luật dân sự năm 2015 thì còn rất nhiều đạo luật và văn bản dưới luật hiện hành quy định về tư cách pháp lý và việc tham gia vào giao dịch của các chủ thể là hộ gia đình, hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân.

  1. Điều kiện hoạt động cho vay

Khác với pháp luật dân sự, thương mại nói chung, pháp luật ngân hàng quy định khá chặt chẽ về điều kiện cho vay của các tổ chức tín dụng. Vì việc cho vay của ngân hàng giống như việc bán chịu hàng hóa, đôi khi được ví như cầm dao đằng lưỡi, có nhiều rủi ro ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng.

Khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng chỉ là pháp nhân, cá nhân. Đối với tổ chức không có tư cách pháp nhân như tổ hợp tác, hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân thì tổ chức tín dụng xem xét cho vay đối với cá nhân (một hoặc một số cá nhân).

Pháp luật quy định nguyên tắc cho vay và vay vốn, từ cả hai phía là tổ chức tín dụng và khách hàng như sau:

  • Hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng được thực hiện theo thỏa thuận giữa hai bên, phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan, bao gồm cả pháp luật về bảo vệ môi trường.
  • Khách hàng vay vốn tổ chức tín dụng phải đảm bảo sửu dụng vốn vay đúng mục đích, hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay đúng thời hạn đã thỏa thuận với tổ chức tín dụng.

Pháp luật ngân hàng quy định, tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ điều kiện sau đây:

  • Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
  • Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp.
  • Có phương án sử dụng vốn khả thi.
  • Có khả năng tài chính để trả nợ.
  • Có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh theo đánh giá của tổ chức tín dụng, trong trường hợp khách hàng vay vốn ngắn hạn bằng đông Việt Nam được hưởng mức ưu đãi về lãi suất không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn theo quy định của pháp luật.
  • Khách hàng vay vốn phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện vay vốn, đồng thời phải cung cấp cho tổ chức tín dụng các tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn và các tài liệu khác do tổ chức tín dụng hướng dẫn, kể cả cho vay vốn cầm cố bằng tiền gửi tiết kiệm, vì cầm cố tien gửi tiết kiệm để vay vốn là một biện pháp bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.
  • Khi có nhu cầu vay vốn khách hàng không còn phải gửi cho các tổ chức tín dụng “giấy đề nghị vay vốn” như quy định trong nhiều năm trước.
  1. Mục đích hoạt động cho vay vốn

Trong giao dịch cho vay dân sự, thương mại nói chung, việc xác định mục đích vay là không bắt buộc. Các bên có thể thỏa thuận về việc vay tài sản vay phải được sử dụng đúng mục đích vay. Bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đồi lại tài sản vay trước thời hạn nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích.

Trong lĩnh vực ngân hàng thì mục đích sử dụng vốn vay được quy định như sau:

  • Phương án sử dụng vốn vay phải có một trong các thông tin là mục đích sử dụng vốn. Về nguyên tắc, bên vay vốn được sử dụng vốn vay vào bất kỳ mục đích hợp pháp nào, nếu không bị pháp luật cấm.
  • Tổ chức tín dụng phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu chứng minh mục đích sử dụng vốn hợp pháp trước khi quyết định cấp tín dụng.
  • Mục đích sử dụng vốn vay luôn được xác định trong hợp đồng vay.
  • Tổ chức tín dụng có quyền yêu cầu khách hàng vay báo cáo việc sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích vay vốn.
  • Khách hàng vay vốn phải cung cấp thông tin cho tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực đầy đủ của các tài liệu cho tổ chức tín dụng, trong đó có báo cáo việc sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích ghi trong hợp đồng vay.
  • Tổ chức tín dụng có quyền chấm dứt hợp đồng vay, thu hồi nợ trước hạn theo nội dung đã thỏa thuận khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng cho vay, trong đó có mục đích sử dụng vốn vay.

Pháp luật trong một số lĩnh vực khác cũng có quy định về mục đích sử dụng vốn vay như sau:

  • Tổ chức, cá nhân phải sử dụng vốn đã huy động vào đúng mục đích phát triển nhà ở đó, không được sử dụng vốn đã huy động cho dự án khác hoặc mục đích khác.
  • Cấm sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân và tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích theo cam kết.
  • Một trong các nguyên tắc quản lý, sử dụng vốn tại doanh nghiệp do nhà nước năm giữ 100% vốn điều lệ là “người phê duyệt phương án huy động vốn phải chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra bảo đảm vốn huy động được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.
  1. Phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức cho vay

Phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay vào tài khoản thanh toán của bên thụ hưởng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trừ các trường hợp được phép giải ngân vốn cho vay vào tài khoản thanh toán của khách hàng và giải ngân bằng tiền mặt.

Phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vào tài khoản thanh toán của ngân hàng trong các trường hợp như: pháp luật quy định phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán, khách hàng là bên thụ hưởng có tài khoản thanh toán tại ngân hàng đã ứng vốn tự có để thanh toán, khách hàng trực tiếp thanh toán tiền mua sản phẩm nông, lâm, diêm nghiệp và thủy sản từ cá nhân.

Giải ngân vốn cho vay bằng tiền mặt trong trường hợp khách hàng thanh toán, chi trả cho bên thụ hưởng là cá nhân không có tài khoản thanh toán tại ngân hàng.

Không bắt buộc phải giải ngân không bằng tiền mặt trong trường hợp khoản giải ngân không quá 100 triệu đồng hoặc là trường hợp được thanh toán bằng tiền mặt./.

5/5 - (1 vote)

096 567 9698