Ngày 20/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Bộ luật lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/20921 và thay thế cho Bộ luật lao động năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2015, 2018.
Bộ luật lao động năm 2019 có nhiều điểm mới quan trọng, tác động lớn đến quan hệ lao động. Trong đó, nổi bật như tăng ngày nghỉ lễ; điểm mới về ngày nghỉ Tết Nguyên đán; nâng thời gian làm them giờ theo tháng; cho phép người lao động đang làm việc theo chế độ hợp đồng lao đông không xác định thời hạn được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn chỉ cần báo trước theo luật định mà không cần lý do chính đáng; điểm mới về quyền làm them giờ của lao động nữ mang thai, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi…
Căn cứ vào Điều 1 Bộ luật lao động năm 2019 quy định:
Bộ luật Lao động quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động.
Có thể thấy rằng so với quy định tại Bộ luật lao động 2012, Bộ luật lao động 2019 đã sử dụng thuật ngữ “tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở” thay thế cho “tổ chức đại diện tập thể người lao động”.
Tại khoản 3 Điều 3 Bộ luật lao động 2019 quy định rõ tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp./.