Trong quan hệ giữa từng cá nhân người lao động và người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm trả lương cho người lao động theo ba nguyên tắc: trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn được quy định tại Điều 94 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019.
Điều 94. Nguyên tắc trả lương
1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
2. Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
- Nguyên tắc trực tiếp
Đây chính là sự trực tiếp về trách nhiệm. Trách nhiệm của bên trả là trực tiếp trả hoặc chịu trách nhiệm về sự trả đó, trách nhiệm của bên nhận là trực tiếp nhận hoặc chịu trách nhiệm về sư nhận đó, theo đó nguyên tắc trực tiếp này ở khoản 1 Điều 94 còn được thể hiện thông qua quy định “Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp”.
- Nguyên tắc đầy đủ
Đây chính là việc bảo đảm trả lương theo đúng các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác gắn với các yếu tố đánh giá về năng suất, chất lượng và hiệu quả thực hiện công việc để trả lương theo cam kết.
Đầy đủ ở đây còn phải được đặt trong một quan hệ khác với các quy định khác có liên quan đến tiền lương như đóng các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, khấu trừ tiền lương…
- Nguyên tắc đúng hạn
Đây chính là việc bảo đảm trả lương theo thời gian thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các nội quy, quy chế khác. Thực hiện nguyên tắc này phải gắn chặt với quy định về kỳ hạn trả lương được quy định tại Điều 97 về kỳ hạn trả lương.
Ngoài các nguyên tắc trên, tại khoản 2 Điều 94 này đã bổ sung nguyên tắc “người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định”.
Đây là sự bổ sung quan trọng theo tinh thần Công ước số 95 của ILO để bảo vệ quyền sở hữu, quyền tự quyết sử dụng tiền lương của người lao động trước người sử dụng lao động, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi quan hệ cung cầu lao động mất cân đối, người lao động đứng trước áp lực việc làm và luôn ở vị thế yếu hơn so với người sử dụng lao động./.