Tuvandoanhnghiep.com.vn - Thay đổi giấy phép kinh doanh

Nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động

Điều 53 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 quy định nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động.

Điều 53. Nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động

1. Thời hạn cho thuê lại lao động đối với người lao động tối đa là 12 tháng.

2. Bên thuê lại lao động được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:

a) Đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định;

b) Thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân;

c) Có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.

3. Bên thuê lại lao động không được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:

a) Để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động;

b) Không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động;

c) Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ, vì lý do kinh tế hoặc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập.

4. Bên thuê lại lao động không được chuyển người lao động thuê lại cho người sử dụng lao động khác; không được sử dụng người lao động thuê lại được cung cấp bởi doanh nghiệp không có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.

Đây là điều luật mới được bổ sung trong BLLĐ năm 2019 trên cơ sở luật hóa Nghị định hướng dẫn thi hành quy định về cho thuê lại lao động trong BLLĐ năm 2012. Tư tưởng bảo vệ người lao động và hạn chế kinh doanh hoạt động cho thuê lại lao động được thể hiện rất rõ, theo đó:

  1. Quy định rõ thời hạn cho thuê lại lao động đối với người lao động

Nghĩa là mỗi người lao động làm việc theo hình thức Cho thuê lại lao động sẽ chỉ làm việc cho một người sử dụng lao động và 12 tháng (khoản 2 Điều 54 BLLĐ năm 2012 không quy định rõ là đối vài người lao động mà chỉ nói chung là thời hạn cho thuê lại lao động tối đa không quá 12 tháng).

  1. Bổ sung các trường hợp bên thuê lại lao động được sử dụng lao đồng thuê lại

(1) Đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định;

(2) Thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân;

(3) Có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.

Với quy định này, các doanh nghiệp khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ cho thuê lại lao động sẽ phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng nhu cầu, điều kiện trước khi thuê lại lao động bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Với trường hợp (1), doanh nghiệp sẽ phải có giấy tờ làm căn cứ chứng minh rõ ràng về “sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định”.

Với trường hợp (2), tài liệu chứng minh sẽ rất rõ ràng, dễ hiểu nhưng số lượng lao động lại không nhiều và tùy thuộc thời điểm.

Trong trường hợp (3) mà điều luật quy định nói trên, rõ ràng pháp luật đang khuyến khích sử dụng dịch vụ cho thuê lại lao động đối với công việc yêu cầu lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà rất hạn chế hoặc gần như không thể thực hiện đối với các công việc yêu cầu lao động phổ thông hoặc có trình độ chuyên môn, kỹ thuật không cao.

  1. Bổ sung quy định các trường hợp bên thuê lại lao động không được sử dụng lao động thuê lại

(1) Để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động;

(2) Không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động;

(3) Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ, vì lý do kinh tế hoặc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập.

Quy định này được hiểu rằng, kể cả khi rơi vào ba trường hơn được sử dụng lao động thuê lại (tại khoản 2 Điều 53 BLLĐ năm 2019), thì bên thuê lại lao động cũng không được sử dụng lao động thuê lại nếu thuộc 3 trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 53 BLLĐ năm 2019.

  1. Không được chuyển người lao động thuê lại cho người sử dụng lao động khác

Bên thuê lại lao động không được chuyển người lao động thuê lại cho người sử dụng lao động khác, không được sử dụng người lao động thuê lại được cung cấp bởi doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.

Mặc dù tên điều luật 53 BLLĐ năm 2019 quy định các nguyên tắc của hoạt động cho thuê lại lao động, tuy nhiên, khi nghiên cứu nội dung điều luật, chúng ta thấy có 2/3 nội dung quy định về các trường hợp được sử dụng không được sử dụng lao động thuê lại của bên thuê lại lao động, 1/3 nội dung đưa ra thời hạn cho thuê lại lao động đối với người lao động.

Có lẽ, nội dung của điều luật này chưa sát với tên điều là “nguyên tắc” vì: (1) Chỉ quy định về tình huống và trách nhiệm của 2/3 chủ thể trong quan hệ cho thuê lại lao động; (2) Chưa đề cập đến chủ thể chính của hoạt động kinh doanh; (3) Thể hiện tư tưởng bảo vệ người lao động làm việc theo hình thức thuê lại lao động hoặc hạn chế kinh doanh dịch vụ cho thuê lại lao động./.

Đánh giá bài viết

096 567 9698