Tuvandoanhnghiep.com.vn - Thay đổi giấy phép kinh doanh

Hợp đồng lao động vô hiệu theo quy định pháp luật

Hợp đồng lao động là hình thức pháp lý của quan hệ lao động, nó quy định quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động. Bởi vậy những quy định trong hợp đồng lao động rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến các bên chủ thể trong quan hệ lao động.

Tuy nhiên có rất nhiều trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên, Bộ luật lao động năm 2019 quy định cụ thể về những trường hợp này.

  1. Hợp đồng lao động

Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật lao động 2019 thì: “Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử sụng lao động về việc làm có trả công, trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động”.

Như vậy, so với quy định về Hợp đồng lao động tại Điều 15 Bộ luật lao động năm 2012 thì quy định về Hợp đồng lao động năm 2019 đã bổ sung thêm quy định về việc làm có trả công. Điều này mở ra thêm một số nhận diện mới về hợp đồng lao động.

  1. Hợp đồng lao động vô hiệu

Hợp đồng vô hiệu là hợp đồng không tuân thủ các điều kiện có hiệu lực do pháp luật quy định nên không có giá trị pháp lý, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Theo nguyên tắc chung của Bộ luật dân sự, khi hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu thì sẽ không làm phát sinh, ràng buộc hiệu lực giữa các bên; làm cho hợp đồng không có giá trị pháp lý kể từ thời điểm giao kết, cho dù hợp đồng đã được thực hiện trên thực tế hay chưa.

Khi hợp đồng bị vô hiệu thì các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận, nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có qua định khác. Như vậy, khi hợp đồng lao động vô hiệu thì nó sẽ không có giá trị pháp lý và các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

  1. Các trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu theo quy định của pháp luật

Căn cứ vào Điều 49 Bộ luật lao động năm 2019 thì hợp đồng lao động vô hiệu trong các trường hợp sau:

  • Toàn bộ nội dung của hợp đồng lao động vi phạm pháp luật. Như vậy trong trường hợp này là toàn bộ các quy định của hợp đồng lao động đều không đúng các quy định của pháp luật.
  • Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động quy định tại Khoản 1 Điều 15 của Bộ luật này. Trong trường hợp này có nghĩa là người không được ủy quyền đúng theo quy định của pháp luật nhưng lại tiến hành giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
  • Công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động là công việc mà pháp luật cấm.

Đây là những công việc mà pháp luật đã quy định là không được làm, kinh doanh, sản xuất như buôn bán, sắn bắn các loài động vật quý, vận chuyển ma túy…

So với quy định tại Điều 50 của Bộ luật lao động năm 2012, thì Bộ luật lao động năm 2019 đã hủy bỏ trường hợp “nội dung của hợp đồng lao động hạn chế hoặc ngăn cản quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động”.

Do đó kể từ ngày 01/01/2021 khi Bộ luật lao động năm 2019 có hiệu lực thì việc hợp đồng lao động hạn chế, ngăn cản quyền thành lập, gia nhập, và hoạt động công đoàn của người lao động không còn là trường hợp mà hợp đồng lao động bị vô hiệu nữa.

Bên cạnh việc hủy bỏ thì Bộ luật lao động năm 2019 còn bổ sung thêm trường hợp hợp đồng lao động bị vô hiệu khi vi phạm nguyên tắc “tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực” trong giao kết hợp đồng.

Đây cũng là điều hợp lý, phù hợp với các quy định cũng như thực tế về việc hợp đồng lao động vô hiệu. Hơn nữa, việc quy định hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ khi vi phạm nguyên tắc “tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực” trong giao kết phù hợp với Công ước số 29 của Tổ chức lao động quốc tế về lao động cưỡng bức.

  1. Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu

Theo quy định tại Điều 50 Bộ luật lao động năm 2019 thì Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.

Đây là cơ quan duy nhất có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu. Theo quy định trước đây của Bộ luật lao động năm 2012 tại Điều 51 thì Thanh tra lao động và Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.

Nhưng theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì đã hủy bỏ thẩm quyền của Thanh tra lao động chỉ còn quy định là Tòa án nhân dân. Bởi vậy quy định mới trong Bộ luật lao động năm 2019 đảm bảo được tính thống nhất trong các quy định của pháp luật, vừa phù hợp với lý luận về hợp đồng.

Như vậy, so với năm 2012 thì Bộ luật lao động năm 2019 có nhiều thay đổi về hợp đồng lao động. Sự thay đổi này có nhiều tiến bộ mang tính tích cực phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, song trong quá trình áp dụng thì khó tránh khỏi những khó khăn vướng mắc. Chính vì vậy cần lưu ý trong quá trình áp dụng những quy định pháp luật mới./.

5/5 - (1 vote)

096 567 9698