Tuvandoanhnghiep.com.vn - Thay đổi giấy phép kinh doanh

Hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động và người lao động

Nhà nước luôn có những chính sách khuyến khích người sử dụng lao động có đủ điều kiện đào tạo nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình và người lao động khác trong xã hội.

Hợp đồng đào tạo nghề

Hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động và người lao động được quy định tại Điều 62 Bộ luật Lao động năm 2019, cụ thể:

  1. Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.

Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

  1. Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Nghề đào tạo;

b) Địa điểm, thời gian và tiền lương trong thời gian đào tạo;

c) Thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo;

d) Chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;

đ) Trách nhiệm của người sử dụng lao động;

e) Trách nhiệm của người lao động.

  1. Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo.

Pháp luật quy định hai bên phải ký hợp đồng lao động đào tạo nghề trong một số trường hợp; nội dung chủ yếu của hợp đồng đào tạo nghề; chi phí đào tạo. Theo đó, khi ký hợp đồng đào tạo nghề, các bên cần ghi rõ loại nghề được đào tạo để bảo đảm đào tạo nghề được tổ chức trên thực tế, tránh tình trạng chỉ tổ chức một cuộc hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm,…; địa điểm, thời gian và tiền lương trong thời gian đào tạo; các chi phí đào tạo hợp pháp liên quan tới chương trình đào tạo có chứng từ hợp lệ và trách nhiệm hoàn trả các chi phí này khi vi phạm hợp đồng đào tạo nghề; thời hạn người lao động cam kết làm việc sau khi đào tạo (hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám”, người lao động sau khi được đào tạo lại đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động khác hoặc tự thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh riêng); trách nhiệm của người lao động; trách nhiệm của người sử dụng lao động khi ký kết loại hợp đồng này do hai bên tự do thỏa thuận phù hợp với những mong muốn của từng bên đối với bên kia.

Trách nhiệm của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề

Quy định cụ thể tại Điều 60 Bộ luật Lao động năm 2019:

  1. Người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch hằng năm và dành kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình; đào tạo cho người lao động trước khi chuyển làm nghề khác cho mình.
  2. Hằng năm, người sử dụng lao động thông báo kết quả đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Một là, trách nhiệm xây dựng kế hoạch hằng năm và dành kiểu phí cho việc đào tạo và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc cho mình; đào tạo các người lao động trước khi chuyển làm nghề khác cho mình.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ bắt buộc của người sử dụng lao động là phải đào tạo nghề cho người lao động trước khi chuyển họ sang làm nghề khác cho mình. Sở dĩ BLLĐ quy định như vậy là xuất phát từ việc người sử dụng lao động có thể chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.

Vì vậy, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm trang bị kiến thức, kỹ năng nghề mới để người lao động thực hiện công việc hiệu quả, tránh tình trạng hiện nay có doanh nghiệp cố ý chuyển người lao động làm công việc khác mà không đào tạo cho họ, dẫn đến người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc mới.

Hai là, trách nhiệm thông báo kết quả đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Mục đích của việc yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện nghĩa vụ thông báo là nhằm thông qua việc nắm bắt kết quả đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, Nhà nước có thể nắm được nhu cầu, xu hướng nghề nghiệp của người lao động năng lực đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp của các cơ sở dạy nghề, từ đó kịp thời có những chính sách phù hợp phục vụ cho việc phát triển nghề nghiệp./.

Đánh giá bài viết

096 567 9698