Tuvandoanhnghiep.com.vn - Thay đổi giấy phép kinh doanh

Học nghề và tập nghề theo quy định pháp luật

Học nghề và tập nghề là những quy định mới trong Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 nhằm xác định rõ quan hệ học nghề hay tập nghề, tránh nhầm lẫn giữa quan hệ học nghề, tập nghề với quan hệ lao động.

Cụ thể, tại Điều 61 BLLĐ năm 2019 quy định:

  1. Học nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để đào tạo nghề nghiệp tại nơi làm việc. Thời gian học nghề theo chương trình đào tạo của từng trình độ theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
  2. Tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động là việc người sử dụng lao động tuyển người vào để hướng dẫn thực hành công việc, tập làm nghề theo vị trí việc làm tại nơi làm việc. Thời hạn tập nghề không quá 03 tháng.
  3. Người sử dụng lao động tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình thì không phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; không được thu học phí; phải ký hợp đồng đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
  4. Người học nghề, người tập nghề phải đủ 14 tuổi trở lên và phải có đủ sức khỏe phù hợp với yêu cầu học nghề, tập nghề. Người học nghề, người tập nghề thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành phải từ đủ 18 tuổi trở lên, trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao.
  5. Trong thời gian học nghề, tập nghề, nếu người học nghề, người tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận.
  6. Hết thời hạn học nghề, tập nghề, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động khi đủ các điều kiện theo quy định của Bộ luật này.

Bổ sung khái niệm học nghề, tập nghề

Trước đây, BLLĐ năm 2012 và các và hướng dẫn thi hành không có quy định cụ thể giải thích thế nào là nghề, tập nghề, tuy nhiên đến khi BLLĐ năm 2019 ra đời  thì đã lấp đầy khoảng trống này.

Theo Điều 61 BLLĐ năm 2019, cần phân biệt giữa hai trường hợp học nghề và tập nghề. Học nghề là khái niệm chỉ việc học kiến thức, kỹ năng nghề một cách bài bản, có người hướng dẫn, giáo cụ và chương trình, phương pháp riêng. Người học nghề là người chưa có kiến thức, kỹ năng về nghề nghiệp nên người sử dụng lao động phải đào tạo.

Còn tập nghề là khái niệm chỉ việc dạy thực hành nghề, mục tiêu là thực hành nghề, mục tiêu là thực hành thành thạo để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. Người tập nghề là người đã có kiến thức, kỹ năng về nghề nghiệp và được người sử dụng lao động tuyển vào để hướng dẫn thực hành theo một vị trí nhất định.

Quy định cụ thể về thời gian học nghề, thời hạn tập nghề

Xuất phát từ bản chất khác nhau giữa học nghề và tập nghề nên thời gian học nghề, tập nghề cũng được quy định khác nhau. Cụ thể là, thời gian học nghề được thực hiện theo chương trình đào tạo của từng trình độ theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, còn thời hạn tập nghề được quy định rõ tối đa không quá 03 tháng. Quy định này là cần thiết nhằm tránh việc người sử dụng lao động lợi dụng việc học nghề, tập nghề để trốn tránh nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Quy định rõ hơn về việc ký hợp đồng đào tạo

Theo đó, khi tuyển người vào học nghề, tập nghề, BLLĐ năm 2019 quy định hai bên phải ký hợp đồng đào tạo nghề. Với việc dẫn chiếu tại khoản 3 Điều 61 BLLĐ năm 2019 sang Luật Giáo dục nghề nghiệp, các bên có thể thể hiểu rõ hơn về nội dung của loại hợp đồng này.

Cụ thể, theo 39 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, khi doanh nghiệp tuyến A vào đào tạo để làm việc cho doanh nghiệp thì hợp đồng đào tạo hải có những nội dung chủ yếu như sau:

  • Tên nghề đào tạo hoặc các kỹ năng nghề đạt được ;
  • Địa điểm đào tạo;
  • Thời gian hoàn thành khóa học;
  • Mức học phí và thanh toán học phí;
  • Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của mỗi bên khi vi phạm hợp đồng;
  • Thanh lý hợp đồng;
  • Các thỏa thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
  • Cam kết của người học về thời hạn làm việc cho doanh nghiệp;
  • Cam kết của doanh nghiệp về việc sử dụng lao động sau khi học xong;
  • Thỏa thuận về thời gian và mức tiền công cho người học trực tiếp hoặc tham gia làm ra sản phẩm cho doanh nghiệp trong thời gian đào tạo.
  • Hợp đồng đào tạo theo hình thức kèm cặp nghề tại doanh nghiệp ngoài các nội dung trên thì hai bên phải có thỏa thuận thời gian bắt đầu được trả công và mức tiền công trả cho người học theo từng thời gian.

Quy định rõ hơn về độ tuổi học nghề, tập nghề

Quy định rõ hơn về độ tuổi học nghề, tập nghề đối với nghề thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao. Cụ thể là người học, tập trong danh mục các nghề này đòi hỏi phải từ đủ 18 tuổi trở lên (trừ lĩnh vực nghệ thuật, thể dục, thể thao).

Trả lương cho người học nghề, người tập nghề

Điều luật đã quy định người sử dụng lao động phải trả lương nếu người học nghề, người tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động. Có thể thấy quy định này của luật đã bảo vệ quyền lợi của n lao động hơn so với quy định trước đây (người học nghề, tập nghề, trực tiếp hoặc tham gia lao động phải làm ra sản phẩm hợp quy cách mới được trả lương).

Như vậy, người sử dụng lao động không thể trốn tránh trả lương cho người lao động bằng cách đưa ra nhiều tiêu chuẩn khác nhau để một sản phẩm được coi là hợp quy cách. Việc quy định một cách cụ thể về học nghề, tập nghề như BLLĐ năm 2019 sẽ giúp hạn chế những bất cập có thể xảy ra trên thực tiễn.

Ví dụ: Doanh nghiệp áp dụng thời gian đào tạo nghề, tập nghề rất dài nhằm trốn tránh nghĩa vụ khi giao kết hợp đồng lao động và nghĩa vụ tham gia các loại bảo hiểm bắt buộc do không có quy định cụ thể về việc người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người học nghề, tập nghề; một số doanh nghiệp lợi dụng, bóc lột sức lao động của người học nghề, tập nghề do chưa có pháp luật điều chỉnh về tiền lương đối với nhóm người này./.

096 567 9698