Tuvandoanhnghiep.com.vn - Thay đổi giấy phép kinh doanh

Giải quyết tranh chấp lao động (cập nhật mới nhất)

Hiện nay, tình trạng tranh chấp lao động xảy ra khá phổ biến, điển hình là việc tranh chấp về tiền lương, thu nhập, hợp đồng lao động… đối với cả cá nhân và tập thể.

Để giải quyết được tình trạng này, pháp luật đã có các quy định không chỉ giúp doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kinh doanh, mà còn tạo điều kiện gắn kết lâu dài giữa người lao động với người sử dụng lao động, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

  1. Giải quyết tranh chấp lao động

Bộ luật lao động năm 2019 không đưa ra một khái niệm cụ thể nào về tranh chấp lao động. Tuy nhiên dựa trên các quy định của pháp luật về tranh chấp lao động, chúng ta có thể đưa ra khái niệm giải quyết tranh chấp người lao động như sau:

Giải quyết tranh chấp lao động là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đưa ra cách thức, phương pháp giải quyết những mâu thuẫn làm phát sinh tranh chấp lao động giữa cá nhân, tập thể người lao động với người sử dụng lao động về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh trong quan hệ lao động.

  1. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động

Theo quy định tại Điều 180 Bộ luật lao động năm 2019 cụ thể:

  • Tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
  • Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật.
  • Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật.
  • Bảo đảm sự tham gia của đại diện giữa các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
  • Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý.

Theo quy định tại Điều 186 Bộ luật lao động năm 2019 về cấm hành động đơn phương trong khi tranh chấp lao động đang được giải quyết, cụ thể: Khi tranh chấp lao động đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn theo quy định của Bộ luật này thì không bên nào được hành động đơn phương chống lại bên kia.

  1. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động

Đối với tranh chấp lao động cá nhân:

Theo quy định tại Điều 187 Bộ luật lao động năm 2019, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm:

  • Hòa giải viên lao động.
  • Hội đồng trọng tài lao động.
  • Tòa án nhân dân.

Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, theo quy định tại Điều 190 Bộ luật lao động năm 2019:

  • Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
  • Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
  • Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Trường hợp người yêu cầu chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật mà không thể yêu cầu đúng thời hạn quy định tại Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do đó không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân (theo quy định tại Khoản 4 Điều 190 Bộ luật lao động năm 2019).

Đối với tranh chấp lao động tập thể:

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền: quy định tại Điều 191 Bộ luật lao động năm 2019, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền bao gồm:

  • Hòa giải viên lao động.
  • Hội đồng trọng tài lao động.
  • Tòa án nhân dân.

Tranh chấp lao động về quyền phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết (theo quy định tại Khoản 2 Điều 191 Bộ luật lao động năm 2019).

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích: quy định tại Điều 195 Bộ luật lao động năm 2019, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm:

  • Hòa giải viên lao động.
  • Hội đồng trọng tài lao động.

Thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền

  • Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động tập thể về quyền là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm.
  • Thời hiệu yêu cầu hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm.
  • Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm.
  1. Quy trình về giải quyết tranh chấp lao động

Theo quy định tại Bộ luật lao động năm 2019.

Đối với cá nhân:

  • Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, ngoài ra không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 189 Bộ luật lao động năm 2019.
  • Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp, Ban trọng tài lao động phải thành lập để giải quyết tranh chấp.
  • Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ban trọng tài lao động thành lập, Ban trọng tài phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.
  • Trường hợp hết thời hạn mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn quy định mà Ban trọng tài không đưa ra quyết định thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
  • Trường hợp một trong các bên không thi hành quyết định của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Đối với tập thể về quyền:

  • Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hoa giải thành.
  • Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp,Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp.
  • Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Ban trọng tài được thành lập, phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.
  • Trường hợp các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng trọng tài lao động, trong thời gian Hội đồng trọng tài lao động đang tiến hành giải quyết, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết.
  • Trường hợp hết thời hạn quy định mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn quy định thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
  • Trường hợp một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Đối với tập thể về lợi ích:

  • Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường hợp hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hoa giải thành.
  • Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp,Ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp.
  • Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Ban trọng tài được thành lập, phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.
  • Trường hợp các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng trọng tài lao động, trong thời gian Hội đồng trọng tài lao động đang tiến hành giải quyết, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết.
  • Khi các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng trọng tài thì tổ chức đại diện người lao động không được tiến hành đình công trong thời gian Hội đồng trọng tài đang giải quyết tranh chấp.
  • Khi hết thời hạn,Ban trọng tài lao động không được thành lập, không ra quyết định giải quyết tranh chấp, hoặc bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp thì Tổ chức đại diện lao động có quyền tiến hành theo quy định tại Điều 200, Điều 201, Điều 202 của Bộ luật này để đình công./.
Đánh giá bài viết

096 567 9698