Tuvandoanhnghiep.com.vn - Thay đổi giấy phép kinh doanh

Điểm mới về lao động chưa thành niên theo Bộ luật lao động năm 2019

Theo thống kê của Tố chức lao động quốc tế, ước tính có trên một trăm triệu người dưới 18 tuổi trên thế giới đang tham gia vào các hoạt động lao động, chiếm gần 10% số người chưa thành niên trên toàn thế giới. Trong đó có đến 48% lao động chưa thành niên đang làm các công việc nặng nhọc, đe dọa đến sức khỏe, an toàn của trẻ em.

Tại Việt Nam, để bảo vệ lợi ích của người chưa thành niên, Bộ luật lao động năm 2019 đã có những điều chỉnh nhất định để bảo vệ nhóm lao động này.

  1. Sửa đổi về định nghĩa lao động chưa thành niên

Điều 143 Bộ luật lao động năm 2019 đưa ra định nghĩa về lao động chưa thành niên đó là: “Lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi”. So với quy định tại Bộ luật lao động năm 2012 thì độ tuổi lao động chưa thành niên được sửa từ “dưới 18 tuổi” thành “chưa đủ 18 tuổi” để phù hợp hơn với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015. Sự thay đổi này đảm bảo sự thống nhất của pháp luật vì ngữ nghĩa của hai từ này giống nhau.

Hiện nay, định nghĩa người lao động của Bộ luật lao động năm 2019 cũng đã bỏ dấu hiệu nhận diện là “từ đủ 15 tuổi” mà thay bằng quy định riêng về độ tuổi lao động tối thiểu (trừ ngoại lệ tại Mục 1 Chương XI về lao động chưa thành niên) giúp đảm bảo phù hợp hơn với quy định cũ tại Bộ luật lao động năm 2012, khắc phục tình trạng mâu thuẫn khi xác định nội hàm khái niệm người lao động chưa thành niên.

Kết hợp định nghĩa về người lao động tại Khoản 1 Điều 3 Bộ luật lao động có thể hiểu, người lao động chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi, làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.

  1. Mở rộng các quy định bảo về người lao động chưa thành niên ở khu vực phi chính thức

So với bộ luật lao động năm 2012 thì đối tượng điều chỉnh theo quy định tại Bộ luật lao động năm 2019 quy định thêm cụ thể tại Khoản 6 Điều 3 Bộ luật lao động năm 2019 thì “người làm việc không có quan hệ lao động là người làm việc không trên cơ sở thuê, mướn bằng hợp đồng lao động”. Đồng thời nhấn mạnh mặc dù chế độ lao động đối với người làm việc không có quan hệ lao động do văn bản pháp luật khác quy định nhưng tùy vào từng chế độ mà được áp dụng một sổ quy định trong Bộ luật lao động.

Việc thay đổi đối tượng điều chỉnh như trên làm mở rộng phạm vi điều chỉnh của Bộ luật lao động năm 2019 đã ảnh hưởng đáng kể theo hướng tích cực đến việc bảo đảm bình đẳng trong khu vực lao động chưa chính thức – khu vực đang sử dụng nhiều lao động chưa thành niên.

Đa số trẻ em đang tham gia quan hệ lao động đều phải làm việc trong các điều kiện lao động không đảm bảo với mức thu nhập ít trong khi không có bất cứ đảm bảo nào về thu nhập và sức khỏe và một lượng lớn trẻ em sinh sống ở khu vực nông thôn, làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và là lao động hộ gia đình không hưởng lương.

Như vậy, mở rộng phạm vi áp dụng đối với những người làm việc không có quan hệ lao động sẽ có hiệu quả tăng cường phòng, chống lao động trẻ em.

  1. Quy định rõ ràng ,đầy đủ công việc, nơi làm việc và nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên

Điều 144 Bộ luật lao động năm 2019 quy định nguyên tắc “lao động chưa thành niên chỉ được làm công việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách”. Đồng thời Điều 143 đã cụ thể hóa công việc phù hợp với các nhóm tuổi đó là:

  • Đối với người từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi

Người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi được làm các công việc mà người thành niên được làm tuy nhiên có bổ sung giới hạn là những công việc hoặc nơi làm việc quy định tại Điều 147 Bộ luật lao động năm 2019.

Nhìn chung có thể thấy pháp luật bảo vệ người đã đủ độ tuổi lao động tối thiểu là 15 tuổi song chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) khỏi các công việc có tính chất nặng nhọc độc hại hoặc nguy hiểm do các công việc này vượt quá thể trạng của trẻ em đồng thời bảo vệ khỏi những nơi làm việc có môi trường làm việc không đảm bảo.

So với quy định tại Bộ luật lao động năm 2012 thì Bộ luật lao động năm 2019 đã bổ sung thêm nhóm công việc bị cấm là sản xuất, kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần hoặc chất gây nghiện khác và nơi làm việc bị cấm là địa điểm kinh doanh xổ số, dịch vụ trò chơi điện tử để phù hợp với thực tế sử dụng lao động chưa thành niên hiện nay.

Nhưng quy định của pháp luật khó có thể bao hàm được hết mội ngành nghề có tính chất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cho trẻ em do sự vận động và hình thành ngày càng phong phú, đa dạng của nhiều loại hình công việc. Để khắc phục những nguy cơ nói trên, các cơ quan có thẩm quyền cần phải thường xuyên rà soát và điều chỉnh các danh mục công việc cho phù hợp.

  • Đối với người lao động chưa đủ 15 tuổi

Bộ luật lao động năm 2019 quy định người chưa đủ 15 tuổi chỉ được làm những công việc theo danh mục mà pháp luật quy định. Cụ thể người dưới 13 tuổi chỉ được làm các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách và phải được sự đồng ý của Sở lao động thương binh xã hội.

Còn người từ đủ 13 đến chưa đủ 15 tuổi chỉ được làm công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao và các công việc nhẹ khác theo danh mục do Bộ trưởng Bộ lao động thương binh xã hội ban hành.

Như vậy, với nhóm người chưa đủ 15 tuổi (dưới độ tuổi lao động tối thiểu), hiện nay Bộ luật lao động chỉ quy định cho phép sử dụng làm các công việc theo danh mục quy định với đặc thù của các công việc này là nhẹ nhàng và không có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe hoặc sự phát triển của trẻ em.

Riêng đối với nhóm công việc làm diễn viên và vận động viên năng khiếu được quy định về độ tuổi lao động tối thiểu do đặc trưng là hoạt động nghệ thuật và thể thao giúp rèn luyện vè thể lực, trí lực và phát triển năng khiếu trẻ em.

Ngoài ra quan điểm điều chỉnh pháp luật về lao động chưa đủ 13 tuổi cũng có sự thay đổi qua các quy định về thủ tục quản lý nhà nước đối với vấn đề này. Cụ thể, thay vì chỉ cần báo cáo với Sở Lao động – Thương binh và xã hội như trước đây, người sử dụng lao động lao động thuê mướn người lao động chưa đủ 13 tuổi thì phải đăng ký và được cơ quan nhà nước đồng ý.

Điều này phù hợp quy định của Tổ chức lao động quốc tế tại công ước số 138 về độ tuổi lao động tối thiểu theo đó công việc biểu diễn nghệ thuật mặc dù là ngoại lệ về sử dụng lao động trẻ em song cơ quan có thẩm quyền phải cấp giấy phép cho từng trường hợp cụ thể.

Sự thay đổi trên cũng phù hợp với nhu cầu điều chỉnh pháp luật do trong thời gian qua sảy ra nhiều hiện tượng đơn vị sử dụng lao động dưới 13 tuổi có nhiều tranh cãi vì tính chất công việc có tính chất nhạy cảm, có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em.

Như vậy so với Bộ luật lao động năm 2012 thì Bộ luật lao động năm 2019 quy định chặt chẽ hơn về chủ thể giao kết hợp đồng với người dưới 13 tuổi chặt chẽ hơn.

Ngoài ra quy định về sự tham gia của người đại diện với tư cách là người liên quan (khi người lao động đủ 15 tuổi) hay là một bên trong hợp đồng lao động (khi người lao động chưa đủ 15 tuổi) đều thể hiện việc người chưa thành niên còn bị hạn chế một phần năng lực hành vi khi giao kết hợp đồng lao động nên cần sự trợ giúp của cha mẹ, người giám hộ nhằm bảo đảm quyền và lợi ích cho người lao động.

  1. Bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải tạo cơ hội để người lao động chưa thành niên được giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Bộ luật lao động năm 2019 quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm, chăm sóc người chưa thành niện về mặt học tập trong quá trình lao động.

Việc bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải tạo cơ hội để lao động chưa thành niên được giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề so với quy định của Bộ luật lao động năm 2012 cho thấy sự quan tâm của Nhà nước đến quyền của người chưa thành niên đươc tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Khoản 4 Điều 61 của Bộ luật lao động năm 2019 quy định thanh thiếu niên khi học nghề, tập nghề phải đủ 14 tuổi trở lên và phải có đủ sức khỏe phù hợp với yêu cầu học nghề, tập nghề. Ngoài ra Bộ luật lao động năm 2019 cũng có điểm mới đó là đã có sự phân hóa độ tuổi học nghề, tập nghề theo điều kiện lao động và tính chất công việc./.

Đánh giá bài viết

096 567 9698