Tuvandoanhnghiep.com.vn - Thay đổi giấy phép kinh doanh

Điểm mới về đình công theo Bộ luật lao động năm 2019

Bộ luật lao động năm 2019 đã có những điểm mới so với Bộ luật lao động năm 2012 về vấn đề đình công của người lao động.

  1. Quyền đình công và các trường hợp đình công của người lao động

Theo Khoản 1 Điều 209 Bộ luật lao động năm 2012 quy định: Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

Trên tinh thần đó, Bộ luật lao động năm 2019 tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hơn về thẩm quyền lãnh đạo của cuộc đình công, khái niệm đình công tại Điều 198:

Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể và tổ chức lãnh đạo.

Ngoài ra theo quy định của Bộ luật lao động năm 2012 thì việc tổ chức và lãnh đạo đình công do chủ thể có thẩm quyền là ban chấp hành công đoàn cơ sở, nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì đình công do tổ chức công đoàn cấp trên theo đề nghị của người lao động.

Hiện nay, để bảo đảm những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể theo Công ước số 98 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về quyền tổ chức và thương lượng tập thể, Bộ luật lao động năm 2019 đã quy định cụ thể hơn những trường hợp tranh chấp lao động tập thể về quyền gồm :

  • Có sự giải thích và thực hiện khác nhau các quy định của thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thỏa thuận hợp pháp khác.
  • Có sự giải thích và thực hiện khác nhau các quy định của pháp luật về lao động.
  • Khi người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử với người lao động, cán bộ tổ chức đại diện người lao động vì lí do thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, can thiệp, thao túng chống tổ chức đại diện người lao động hoặc vi phạm nghĩa vụ về thương lượng thiện chí.

Căn cứ vào Điều 199 Bộ luật lao động năm 2019 cũng bổ sung các trường hợp người lao động có quyền đình công cụ thể như sau:

  • Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải (05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan có thẩm quyền (Khoản 2 Điều 188 Bộ luật lao động năm 2019) mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải.
  • Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện việc quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.

Lưu ý:

(1) Về lãnh đạo đình công, Bộ luật lao động năm 2019 bổ sung Tổ chức công đoàn được lãnh đạo đình công, các tổ chức đại diện người lao động khác cũng được phép lãnh đạo đình công, việc đình công chỉ được thực hiện khi có đa số người lao động đồng ý.

(2) Về đình công, tổ chức đại diện người lao động được thực hiện các bước để tiến tới đình công khi người sử dụng lao động vi phạm các quy định đối với người lao động (theo Khoản 2 Điều 203 Bộ luật lao động năm 2019).

(3) Nếu quá 1 tháng tính từ khi phát sinh tranh chấp, trọng tài lao động vẫn chưa lập hoặc giải quyết, hoặc qua 5 ngày tranh chấp về lợi ích nhưng hòa giải viên vẫn chưa hòa giải thì người lao động có quyền đình công (theo quy định tại Điều 199 Bộ luật lao động năm 2019).

  1. Chủ thể có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công

Quy định tại Điều 198 Bộ luật lao động năm 2019, việc tiến hành đình công được quy định do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.

Cụ thể đã có sự sửa đổi, bổ sung so với Bộ luật lao động năm 2012 về chủ thể do tổ chức công đoàn thì có thêm tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công.

Ngoài tổ chức công đoàn hiện nay, Bộ luật lao động năm 2019 cho phép người lao động được thành lập và tham gia các tổ chức khác đại diện cho mình.

Các tổ chức đại diện tập thể người lao động được thành lập theo sự điều chỉnh  của các quy định pháp luật và bình đẳng với Công đoàn về quyền và nghĩa vụ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động.

  1. Sửa đổi, bổ sung các trường hợp đình công bất hợp pháp

Điều 204 Bộ luật lao động năm 2019 đã thay đổi những quy định về vấn đề này, cụ thể:

  • Không thuộc trường hợp được đình công quy định tại Điều 199 của Bộ luật này.
  • Không do tổ chức người đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công.
  • Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công theo quy định của bộ luật này.
  • Khi tranh chấp lao động tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật này.
  • Tiến hành đình công trong trường hợp không được đình công theo quy định tại Điều 209 của Bộ luật này.
  • Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 210 Bộ luật này.

So với Bộ luật lao động năm 2012, Bộ luật lao động năm 2019 đã bổ sung 03 trường hợp đình công bất hợp pháp:

  • Cuộc đình công vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công.
  • Cuộc đình công không do tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công.
  • Không thuộc trường hợp được đình công theo quy định tại Điều 199 Bộ luật lao động năm 2019.

Bên cạnh đó, Bộ luật lao động năm 2019 cũng bỏ 03 trường hợp đình công bất hợp pháp được quy định từ Bộ luật lao động năm 2012 cụ thể:

  • Không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
  • Tổ chức cho người lao động không cùng làm việc cho một người sử dụng lao động đình công.
  • Khi vụ việc tranh chấp lao động tập thể chưa được cơ quan, tổ chức,cá nhân giải quyết theo quy định của Bộ luật lao động.
  1. Xử lý cuộc đình công không đúng trình tự, thủ tục

Dựa trên Điều 211 Bộ luật lao động năm 2012, việc xử lý cuộc đình công không đúng theo trình tự, thủ tục bao gồm 05 bước:

  • B1. Người sử dụng lao động báo lên chính quyền cấp huyện hoặc công đoàn khu công nghiệp.
  • B2. Chủ tịch huyện chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội điều tra trong thời hạn 24 giờ.
  • B3. Sau khi nhận được báo cáo của phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, chủ tịch huyện báo cáo cho chủ tịch tỉnh trong thời hạn 12 giờ.
  • B4. Chủ tịch tỉnh ra quyết định tuyên bố cuộc đình công trái thủ tục trong thời hạn 12 giờ.
  • B5. Chủ tịch huyện chỉ đạo Phòng Lao động,Thương binh và Xã hội đến hỗ trợ trong thời hạn 12 giờ.

Trên cơ sở đó Bộ luật lao động năm 2019 quy định:

Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được thông báo về cuộc đình công không tuân theo quy định, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì, chỉ đạo cơ quan chuyên môn về lao động phối hợp với công đoàn cùng cấp, các tổ chức có liên quan trực tiếp gặp gỡ người sử dụng lao động và đại diện ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động tìm ra biện pháp giải quyết (theo  Điều 212 Bộ luật lao động năm 2019)./.

Đánh giá bài viết

096 567 9698