Bộ luật lao động năm 2019 gồm 24 Điều luật quy định về tiền lương của người lao động tăng thêm 1 Điều so với Bộ luật lao động năm 2012.
Trên cơ sở kế thừa các quy định của Bộ luật lao động năm 2012, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định, Bộ luật lao động năm 2019 đã khắc phục được hầu hết những bất cập trong quy định về tiền lương. Từ đó đảm bảo hơn quyền lợi của người lao động và phù hợp với quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường.
-
Mức lương tối thiểu, mức lương tối thiểu ngành
- Sửa đổi quy định về mức lương tối thiểu
Khoản 1 Điều 91 Bộ luật lao động năm 2019 quy định: “Mức lương tố thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội”.
Như vậy, so với quy định cũ thì Bộ luật lao động năm 2019 đã thay đổi mục đích của mức lương tối thiểu từ “bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu” của người lao động thành “đảm bảo mức sống tối thiểu” của người lao động và gia đình họ. Việc sửa đổi này là phù hợp bởi nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ là vô cùng, rất khó định lượng và mang tính chủ quan. Điều đó dẫn đến mức lương tối thiểu trong thực tế khó có thể đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Theo đánh giá của các chuyên gia thì mức lương tối thiểu, cụ thể là mức lương tối thiểu vùng trong thời gian qua chỉ đáp ứng được 50- 60% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Do mức lương tối thiểu không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu nên thực tế người lao động buộc phải làm thêm giờ để trang trải cuộc sống và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều cuộc tranh chấp lao động và đình công.
Trên cơ sở định hướng của Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 21/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương , Bộ luật lao động năm 2019 xác định mục đích mức lương tối thiểu rõ ràng hơn là đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Đảm bảo mức sống tối thiểu được hiểu là bảo đảm một mức giới hạn nào đó thấp nhất để đủ sống cho người lao động và gia đình họ.
Từ đó, giúp cho việc xác định mức lương tối thiểu dễ dàng có tính khả thi và phù hợp hơn với thực tế. Ngoài ra mức lương tối thiểu luôn chịu sự tác động từ sự phát triển kinh tế – xã hội như vấn đề cung cầu lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, năng suất lao động, việc làm…
Bởi vậy, mức lương tối thiểu phải luôn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Quy định mới này cũng phù hợp với Công ước số 131 về tiền lương tối thiểu của Tổ chức lao động quốc tế.
- Bỏ quy định về mức lương tối thiểu ngành
Bộ luật lao động năm 2019 đã bỏ quy định về mức lương tối thiểu ngành bởi vì tiền lương tối thiểu ngành do các bên tổ chức đại diện người lao động cấp ngành và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ngành thương lượng và quy định trong thỏa ước lao động tập thể nghành. Tùy thuộc điều kiện thực tế của ngành mình mà các bên thương lượng tập thể thỏa thuận mức lương tối thiểu cho phù hợp.
Quy định như thế này vừa thể hiện sự thống nhất với quy định về thương lượng tập thể ngành và thỏa ước lao động tập thể ngành trong Chương V Bộ luật, đồng thời vừa tránh sự can thiệp của Nhà nước vào chính sách tiền lương trong doanh nghiệp.
-
Thang lương, bảng lương, định mức lao động
Trên cơ sở kế thừa quy định về xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động tai Điều 93 Bộ luật lao động năm 2012 Bộ luật lao động năm 2019 đã bổ sung và sửa đổi một số quy định theo hướng đảm bảo quyền tự quyết của doanh nghiệp trong đó có việc xây dựng thang lương, bảng lương.
- Bố sung khái niệm “mức lao động”
Khoản 2 Điều 93 Bộ luật lao động năm 2019 quy định: “Mức lao động phải là mức trung bình bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức”.
Xuất phát từ vai trò của mức lao động trong việc trả lương cho người lao động cũng như làm căn cứ để xác định mức độ hoàn thành công viêc của người lao động, Bộ luật lao động năm 2019 đã luật hóa quy định “mức lao động” từ các Nghị định nhằm tạo cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp xác định “mức lao động” phù hợp với trình độ khả năng của người lao động trong đơn vị.
- Bỏ quy định khi người sử dụng lao động xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động phải căn cứ vào quy định của Chính phủ
So với quy định của Bộ luật lao động năm 2012 thì Bộ luật lao động năm 2019 đã bỏ quy định việc xây dựng thang lương bảng lương phải căn cứ vào quy định Chính phủ.
Việc này là hợp lý, sự quy định như vậy thể hiện sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào tiền lương của doanh nghiệp. Ngoài ra quy định mới này đảm bảo được quyền tự chủ của doanh nghiệp và phù hợp với quan hệ lao động trong nền kinh tế thị trường.
- Bỏ thủ tục yêu cầu người sử dụng lao động gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động tới cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện
Trong quá trình thực hiện thấy quy định này mang tính hình thức, không phù hợp với quy định thực tế và làm gia tăng thủ tục hành chính, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Việc bỏ những quy định này vừa giảm bớt thủ tục hành chính vừa tăng cương trách nhiệm của người sử dụng lao động khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động. Đồng thời cũng tăng cường trách nhiệm của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trong việc đóng góp ý kiến để xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương định mức lao động phù hợp.
-
Nguyên tắc trả lương
Điều 94 Bộ luật lao động năm 2019 bổ sung thêm 2 nguyên tắc trả lương:
- Bổ sung quy định người lao động có thể ủy quyền cho người khác nhận lương
Quy định này thể hiện sự linh hoạt trong trả lương vừa phù hợp với thực tế nhu cầu của người lao động khi vì một số lý do nào đó họ không thể trực tiếp lấy lương được thì họ có thể ủy quyền cho người khác miễn là việc ủy quyền đó là hợp pháp.
- Bổ sung quy định người sử dụng lao động không được ép người lao động dùng lương để mua hàng hóa, dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định
Điểm mới này đảm bảo quyền đối với tiền lương của người lao động đồng thời khắc phục tình trạng nhiều doanh nghiệp cố ý can thiệp buộc người lao động phải chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, dịch vụ của người lao động, Ngoài ra quy định như vậy nhằm cụ thể hóa quyền sổ hữu tài sản, quyền định đoạt và sử dụng tài sản của công dân trong Hiến pháp năm 2013.
-
Quy định trả lương
Bộ luật lao động năm 2019 bổ sung thêm 2 điểm mới về quy định trả lương đó là:
- Bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động khi trả lương phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động
Thực tế nhiều người lao động không nắm rõ được các khoản tiền thu nhập của mình được trả vào lương. Bởi vậy đây là quy định hợp lý nhằm mục đích minh bạch tiền lương, đảm bảo cho người lao động được hưởng đầy đủ tiền lương như đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Ngoài ra còn giúp ngăn ngừa những tranh chấp lao động phát sinh.
- Bổ sung quy định người sử dụng lao động phải trả phí mở tài khoản khi trả lương qua ngân hàng
Xuất phát từ chức năng của tiền lương, mục đích bảo vệ người lao động và lợi thế về kinh tế của người sử dụng lao động trong quan hệ lao động Bộ luật lao động quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm phải trả các loại phí liên quan đến mở tài khoản và chuyển lương cho người lao động thay vì các bên tự thỏa thuận là hợp lý bởi người lao động là bên yếu thế nên người lao động thông thường phải trả các loại phí như vậy sẽ làm giảm sút số tiền lương của người lao động và ảnh hưởng tới cuộc sống của họ.
-
Tiền lương ngừng việc do sự cố khách quan
Bộ luật lao động năm 2019 bổ sung quy định về hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc trong 2 trường hợp đó là: Nếu vì sự cố điện nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
- Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.
- Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải đảm bảo tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Có thể thấy rằng đây là quy định thể hiện sự chia sẻ của người lao động đối với khó khăn của doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp bị thiệt hại do sự cố khách quan sảy ra và đồng thời cũng thực hiện chính sách lao động của nhà nước là: “Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động” như quy định tại Khoản 2 Điều 4 của Bộ luật lao động năm 2019.
-
Bổ sung hình thức thưởng
Tiền thưởng là khoản tiền do người sử dụng lao động trả cho người lao động nhằm mục đích khuyến khích người lao động nâng cao năng suất, hiệu quả lao động.
Bộ luật lao động năm 2019 đã mở rộng hình thức thưởng cho người lao động theo đó người sử dụng lao động có thể thưởng cho người lao động bằng tiền hoặc bằng tài sản khác căn cứ vào kết quả kinh doanh thay vì như Bộ luật lao động chỉ quy định hình thức thưởng bằng tiền cho người lao động.
Như vậy đây là quy định để người sử dụng lao động linh hoạt trong việc quy định các hình thức thưởng cho người lao động góp phần tăng cường quyền quản lý lao động của người sử dụng lao động nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động./.