Tuvandoanhnghiep.com.vn - Thay đổi giấy phép kinh doanh

Bản chất của hợp đồng

Chế định hợp đồng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật thương mại và dân sự, với lý do hầu hết các giao dịch trong xã hội đều thược hiện thông qua phương thức giao kết hợp đồng.

  1. Hợp đồng

Cùng với sự phát triển của lịch sử, các thực thể trong xã hội có thể tồn tại và phát triển được cần phải tham gia vào các giao dịch nhất định thông qua việc trao đổi hàng hóa, hay nói cách khác đó là chuyển dịch các lợi ích mà mình tạo ra và nhận lại các lợi ích vật chất, tinh thần mà chủ thể khác trong xã hội tạo ra nhằm thỏa mãn nhu cầu của mình.

Để làm được điều đó cần có những nguyên tắc nhất định trong một khuôn khổ của luật pháp đó là nguyên tắc tự do thỏa thuận, tự nguyện và bình đẳng giữa các bên. Khái niệm này được mô hình hóa và được các nhà khoa học pháp lý gọi là “Hợp đồng”.

Như vậy, có thể thấy Hợp đồng là công cụ chủ yếu nhằm xác lập các quan hệ pháp lý giữa các cá nhân, tổ chức trong đời sống xã hội.

Hợp đồng cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận hành của một nền kinh tế, vì bản chất nó là hình thức pháp lý cơ bản của sự trao đổi hàng hóa trong xã hội.

Theo các nhà lịch sử pháp lý, thì thuật ngữ Hơp đồng lần đầu tiên được sử dụng vào khoảng thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên tại La Mã, thuật ngữ Hợp đồng contractus có nguồn gốc từ động từ contrahere trong tiếng La-tinh có nghĩa là “ràng buộc”.

Ban đầu thì người La Mã không gọi “hợp đồng” mà gọi các từ riêng biệt để chỉ các hợp đồng cụ thể như mua bán sponsion, vay mượn mutuum, gửi giữ depositum, ủy thác mandatum…Mãi cho đến thế kỷ 1 sau Công nguyên, người La Mã mới chính thức sử dụng thuật ngữ “contractus” trong các văn bản pháp lý, và lúc này quan hệ hợp đồng được pháp luật công nhận và bảo vệ.

Sau này, cùng với sự phát triển của xã hội, các quốc gia phương Tây đã kế thừa và phát triển khái niệm pháp lý từ thời La Mã và đã chính thức sử dụng thuật ngữ hợp đồng, mà tiếng Anh gọi là contract và trong tiếng Pháp gọi là contrat.

  1. Bản chất của hợp đồng

Tại Việt Nam, trong thực tế đời sống có nhiều thuật ngữ khác nhau được dung để mô tả về hợp đồng chẳng hạn như thỏa thuận, thỏa ước, khế ước, hiệp ước, giao kèo, cam kết, tờ giao ước, tờ ưng thuận…Các văn bản cổ xưa còn để lại cho thấy rất nhiều những ngôn ngữ pháp lý đã được sử dụng từ khá sớm trong Bộ Quốc triều Hình luật như “văn tự”, “văn khế” hay mua, bán, cho cầm…

Thuật ngữ “khế ước” lần đầu tiên được sử dụng trong Sắc lệnh ngày 1/7/1925 ở miền Nam thuộc Pháp trong Bộ Dân luật Bắc 1931 và trong Bộ Dân luật Trung 1936-1939, và cũng là lần đầu chính thức sử dụng trong Sắc lệnh 97/SL của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Hồ Chủ tịch ký ban hành ngày 22/5/1950 (Điều 13), ngoài ra còn được dùng trong Bộ Dân luật 1972 của chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam trước 30/4/1975.

Bên cạnh việc lựa chọn thuật ngữ “hợp đồng” để miêu tả bản chất một hiện tượng pháp lý chung trong các văn bản pháp luật, các nhà luật gia gặp khó khan trong việc làm rõ nội hàm của khái niệm hợp đồng.

Trên thực tế, cách tiếp cận khái niệm hợp đồng trong các hệ thống pháp luật khác nhau cũng rất khác nhau, hệ thống luật Civil Law xem hợp đồng như một tổ hợp kết quả của ý chí tự do cá nhân cùng nhiều nguyên tắc pháp lý cơ bản của Luật tư (private law).

Khái niệm Hợp đồng trong hệ thống luật Civil Law bị chi phối bởi 3 nguyên tắc:

  1. Hợp đồng được xem là kết quả chung của sự gặp gỡ ý chí của các bên.
  2. Hợp đồng chính là pháp luật do các bác bên lập ra để rang buộc lẫn nhau.
  3. Các bên được tự do trong phạm vi giới hạn của luật công và trật tự công cộng để tạo ra loại hợp đồng mà họ muốn.

Khác với quan niệm của hệ thống Civil Law, các quốc gia trong hệ thống Common Law xem xét hợp đồng như là kết quả của các cam kết đơn giản, thể hiện bằng những hành vi pháp lý cụ thể của mỗi bên.

Một trong những định nghĩa sớm nhất về hợp đồng được các luật gia ngày nay ghi nhận đó là định nghĩa của học giả người Pháp Pothier vào năm 1761; “Hợp đồng là sự thỏa thuận theo đó hai hoặc chỉ một bên hứa, cam kết với người khác để chuyển giao một vật, để làm một việc hoặc không làm một việc”.

Bộ luật dân sự  Pháp đã kế thừa hoàn toàn định nghĩa này: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó một hoặc nhiều người cam kết với một hoặc nhiều người khác về việc chuyển giao một vật, làm hoặc không làm một công việc nào đó.”

Theo Luật Thương mại Hoa Kỳ thì “Hợp đồng là tổng hợp các nghĩa vụ pháp lý phát sinh từ sự thỏa thuận của các bên…”. Định nghĩa về hợp đồng trong Bộ luật dân sự Nga quy định “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa hai hay nhiều bên về xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền nghĩa vụ dân sự”.

Luật Hợp đồng Trung Quốc quy định “Hợp đồng là sự thỏa thuận về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự giữa các chủ thể bình đẳng tự nhiên nhân, các tổ chức khác…”.

Từ điển Luật học Black’s Law đưa ra hai định nghĩa về hợp đồng:

  1. Hợp đồng là một thỏa thuận giữa hai hay nhiều người tạo lập một nghĩa vụ làm hoặc không làm một việc cụ thể.
  2. Hợp đồng là một lời hứa hoặc tập hợp của những sự hứa hẹn mà với sự vi phạm chúng, pháp luật đưa ra một chế tài, hoặc với sự thực hiện chúng, pháp luật, trong một số phương diện, thừa nhận như là một nghĩa vụ.

Điều 385 Bộ Luật dân sự 2015 của Việt Nam định nghĩa về hợp đồng “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” (định nghĩa này đã lược bỏ từ “dân sự” trong “hợp đồng dân sự” so với định nghĩa tại Bộ Luật dân sự năm 2005).

Như vậy, xét về bản chất, hợp đồng là sự thỏa thuận giữa hai hay nhiều bên, là kết quả của quá trình thương thảo và thống nhất ý chí giữa các bên để làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ đối với nhau, trừ những quyền và nghĩa vụ mà pháp luật có quy định là không thể thay đổi hoặc chấm dứt bằng sự thỏa thuận của các bên.

Nền tảng của hợp đồng chính là sự tự do, thống nhất ý chí, sự ưng thuận được xem là tôn chỉ và là nguyên tắc căn bản, không thể thiếu để hình thành nên các quyền và nghĩa vụ pháp lý. Xét về vị trí, vai trò của hợp đồng là một loại giao dịch dân sự, là một căn cứ pháp lý làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quan hệ pháp luật dân sự.

Như vậy, hợp đồng là phương tiện pháp lý để các bên tạo lập quan hệ nghĩa vụ. Có thể nói, cho dù có nhiều định nghĩa khác nhau về hợp đồng nhưng đều hàm chứa tất cả các dấu hiệu mang tính bản chất của hợp đồng và thể hiện rõ chức năng, vai trò của hợp đồng trong việc xác lập, thay đổi hay chấm dứt quan hệ pháp luật giữa các bên./.

5/5 - (1 vote)

096 567 9698