Tuvandoanhnghiep.com.vn - Thay đổi giấy phép kinh doanh

6 điểm mới về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Để đáp ứng nhu cầu điều chỉnh pháp luật đối với lao động người nước ngoài làm việc ở Việt Nam Bộ luật lao động năm 2019 đã có nhiều quy định để phù hợp hơn cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

  1. Sửa đổi kỹ thuật về điều kiện để người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Bộ luật lao động năm 2019 đã thay đổi nội dung của 3 trong 4 điều kiện để người lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam nhằm đảm bảo các điều kiện phù hợp hơn với quy định hiện hành.

  • Điều kiện về năng lực hành vi dân sự đầy đủ tại Điểm a Khoản 1 Điều 169 Bộ luật lao động năm 2012 đã được bổ sung thêm dấu hiệu là đủ 18 tuổi trở lên để rõ ràng và phù hợp hơn với quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó, Điều 19 Bộ luật dân sự 2015 quy định về năng lực hành vi dân sự của cá nhân: “là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự”.
  • Quy định yêu cầu “có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế” thay cho sức khỏe phù hợp theo yêu cầu công việc” như Bộ luật lao động năm 2012. Để đảm bảo điều kiện tham gia quan hệ lao động, cũng giống như người lao động Việt Nam, người lao động nước ngoài phải đáp ứng được các điều kiện về thể lực theo quy định của pháp luật.

Theo quy định hiện hành thì tại Nghị định số 58/2020/NĐ-CP giấy khám sức khỏe là một trong những giấy tờ bắt buộc phải có trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài. Theo đó giấy này phải được cơ quan, tổ chức y tế có thẩm quyền của nước ngoài hoặc Việt Nam cấp và có giá trị trong 12 tháng kể từ ngày ký kết luận sức khỏe đến ngày nộp hồ sơ.

Như vậy, quy định về lao động nước ngoài di trú từ quốc gia này đến quốc gia khác phải đáp ứng yêu cầu khắt khe hơn về sức khỏe là điều cần thiết nhằm đảm bảo họ có đủ sức khỏe để thực hiện công việc và đảm bảo khía cạnh y tế cộng đồng.

  • Cụ thể hóa điều kiện người nước ngoài “không phải là người phạm tội” (Điểm c Khoản 1 Điều 69 Bộ luật lao động năm 2012) thành “không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích” (Điểm c Khoản 1 Điều 151 Bộ luật lao động năm 2019). Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cần thỏa mãn điều kiện không phải là người phạm tội hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự để đảm bảo an ninh quốc gia.

Tài liệu xác nhận cho điều kiện này theo quy định của pháp luật Việt Nam là phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận theo yêu cầu tại Nghị định số 58/2020/NĐ-CP trường hợp người lao động nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì chỉ cần phiêu lý lịch tư pháp do Việt Nam cấp và không quá 6 tháng kể từ ngày cấp đến ngày nộp hồ sơ.

Do trước đây, Bộ luật lao động năm 2012 và Nghị định số 11/2016/NĐ-CP  quy định chưa đầy đủ và rõ ràng để hướng dẫn cho trường hợp người phạm tội đã thi hành án xong và đã được xóa án tích thì sẽ giải quyết như thế nào.

Vì vậy quy định tại Bộ luật lao động năm 2019 chỉ hạn chế đối với “người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích” sẽ giúp cho cơ quan có thẩm quyền xác định điều kiện của người nước ngoài làm việc tại Việt Nam dễ dàng hơn.

  1. Bổ sung quy định hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn khi sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
  • So với quy định giới hạn số lần hợp đồng lao động xác định thời hạn ký kết liên tiếp không quá hai lần tại Điểm c Khoản 2 Điều 20 Bộ luật lao động năm 2019 có ý nghĩa bảo vệ việc làm lâu dài, thường xuyên và ổn định cho người lao động.

Tuy nhiên, cũng giống như nhóm người kéo dài thời gian làm việc sau khi đã hết tuổi lao động (người lao động cao tuổi) pháp luật Việt Nam không trú trọng bảo vệ quyền này của người nước ngoài làm việc ở Việt Nam. Điều này xuất phát từ các quy định về điều kiện làm việc bị giới hạn của người nước ngoài tại Việt Nam hiện nay.

  • Đối với lao động nước ngoài, theo quy định của Bộ luật lao động thì hợp đồng lao động phải phù hợp với nội dung của giấy phép lao động trong khi giấy phép lao động chỉ có thời hạn tối đa là 2 năm. Như vậy, nếu sau hai hợp đồng lao động xac định thời hạn mà hai bên ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn là vi phạm bới vì lúc đó nội dung của hợp đồng lao động sẽ có nội dung không phù hợp với giấy phép lao động đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Trường hợp muốn tiếp tục làm việc tại Việt Nam thì đối tượng này phải tiến hành xuất cảnh khỏi Việt Nam sau đó nhập cảnh lại vào Việt Nam. Việc này tạo ra dư luận cho rằng đây là quy định hạn chế quyền làm việc của lao động là người nước ngoài tại Việt Nam, gây khó khăn cho người lao động nước ngoài khi họ làm việc lâu dài tại Việt Nam.

Do vậy việc đưa vào Bộ luật lao động năm 2019 quy định về việc người sử dụng lao động được giao kết nhiều lần loại hợp đồng lao động xác định thời hạn với người lao động có quốc tịch nước ngoài cũng sẽ phù hợp hơn và khắc phục được điểm thiếu sót của Bộ luật lao động năm 2012 và các văn bản hướng dẫn.

  1. Sửa đổi bổ sung quy định về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không cần giấy phép lao động
  • Bổ sung điều kiện miễn giây phéo lao động đối với chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn, Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần: phải căn cứ vào giá trị vốn góp (do Chính phủ quy định).
  • Theo quy định tại Bộ luật lao động năm 2012 và văn bản hướng dẫn, lao động nước ngoài muốn làm việc tại Việt Nam thì phải được Sở lao động thương binh và xã hội cấp giấy phéo lao động, cấp lại giấy phép lao động hoặc xác nhận là đối tượng không thuộc diện cấp phép lao động. Riêng xác nhận là đối tượng không thuộc diện cấp phép lao động có thể được dễ dàng nếu người lao động là thành viên góp vốn của công ty cổ phần.

Thực tế, Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp không quy định số tiền góp vốn tối thiểu là bao nhiêu để được trở thành thành viên hội đồng quản trị hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn. Vì vậy dẫn đến tình trạng người nước ngoài cùng với người sử dụng lao động thông đồng với nhau để thỏa thuận người nước ngoài góp một số tiền nhỏ vao doanh nghiệp thì có thể nhận được xác nhận là thành viên góp vốn công ty hoặc thành viên Hội đồng quản trị và được miễn cấp giấy phép lao động.

Tình trạng này diễn ra nhiều ở một số khu vực chủ yếu trong các lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, lữ hành…Điều này dẫn đến lao động trong nước bị mất đi cơ hội việc làm, ảnh hưởng đến mục đích bảo hộ lao động trong nước của nước ta.

  1. Bổ sung trường hợp miễn cấp giấy phép lao động đối với người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam

Tại Khoản 8 Điều 154 Bộ luật lao động năm 2019 bổ sung thêm đối tượng là người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được miễn giấy phép lao động nếu “kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam”.

Việc bổ sung quy định như vậy một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động nước ngoài giảm thủ tục hành chính khi lập gia đình và sinh sống lâu dài ở Việt Nam tuy nhiên cũng tiềm ẩn rủi do có thể xảy ra khi người lao động không đủ chuyên môn, tay nghề, sức khỏe…vì vậy lợi dụng quy định chưa chặt chẽ của pháp luật để kết hôn với công dân Việt Nam và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam.

Đối tượng có nguy cơ bị lợi dụng đa phần là người phụ nữ ở nông thôn, dân tộc, hiểu biết hạn hẹp, kinh tế khó khăn. Để hạn chế những hiện tượng tiêu cực nói trên các cơ quan có thẩm quyền cần bổ sung hướng dẫn chỉ miễn cấp giấy phéo lao động cho người lao động nước ngoài kết hôn với người Việt Nam sau một khoảng thời gian sinh sống và làm việc nhất định tại Việt Nam.

  1. Bổ sung quy định được gia hạn giấy phép lao động một lần với thời hạn tối đa là 2 năm

Bộ luật lao động năm 2012 và văn bản hướng dẫn là Nghị định số 11/2016/NĐ-CP chỉ quy định về việc cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lao động. Trong đó, việc cấp lại giấy phép lao động được thực hiện trong 2 trường hợp:

(1) Giấy phép lao động trong thời hạn bị mất, bị hỏng hoặc thay đổi nội dung ghi trong giấy phép lao động (thời hạn của giấy phép lao động đã được cấp trừ đi thời gian người lao động nước ngoài đã làm việc tính đến thời điểm đề nghị cấp lại giấy phép lao động,

(2) Giấy phép lao động còn thời hạn ít nhất 5 ngày nhưng không quá 45 ngày đối với người lao động tiếp tục làm việc tại Việt Nam sau ngày hết hạn của giấy phép lao động lần đầu (thời hạn của giấy phép lao động được cấp lại theo nhu cầu thực tế xác định bởi người lao động và người sử dụng lao động, tuy nhiên không quá 2 năm và không giới hạn số lần).

Tuy nhiên do sự khác biệt của 2 trường hợp cấp giấy phép lao động nói trên nên tại Bộ luật lao động năm 2019 đã tách riêng hai trường hợp này theo đó trường hợp thứ 2 được đổi tên thành gia hạn giấy phép lao động, đồng thời bổ sung quy định giới hạn việc gia hạn chỉ được thực hiện 1 lần.

  1. Bổ sung trường hợp giấy phép lao động hết hiệu lực khi người lao động nước ngoài làm việc không đúng với nội dung trong giấy phép lao động đã được cấp

So với Bộ luật lao động năm 2012 thì Điều 156 Bộ luật lao động năm 2019 bổ sung trường hợp giấy phép lao động của người nước ngoài làm việc ở Việt Nam hết hiệu lực khi người này làm việc không đúng với nội dung trong giấy phép lao động đã được cấp.

Đây có thể coi là một trường hợp biến tướng của Khoản 3 Điều 156 Bộ luật lao động năm 2019, công việc mà người lao động giao kết trong hợp đồng không đúng với nội dung trong giấy phép lao động đã được cấp.

Thực tế có nhiều trường hợp người lao động nước ngoài và người sử dụng lao động thỏa thuận về việc thay đổi công việc trong quá trình thực hiện quan hệ lao động. Theo đúng quy định của pháp luật thì các bên sẽ phải giao kết mới hoặc ký phụ lục hợp đồng để thay đổi nội dung hợp đồng lao động, đồng thời phát sinh trách nhiệm cấp hoặc cấp lại giấy phép lao động.

Tuy nhiên, cũng có khi hai bên tự ý thay đổi công việc mà không ký lại hợp đồng hoặc báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước, lúc này mặc dù công việc trong hợp đồng lao động vẫn phù hợp với giấy phép lao động song chính công việc của người lao động lại vi phạm hợp đồng lao động và giấy phép lao động đã được cấp.

Như vậy, nếu theo Bộ luật lao động năm 2012 thì không có hướng xử lý, và có thể thấy việc bổ sung của Bộ luật lao động năm 2019 về vấn đề này là hoàn toàn phù hợp, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn./.

Đánh giá bài viết

096 567 9698