Tuvandoanhnghiep.com.vn - Thay đổi giấy phép kinh doanh

3 Điều kiện của Hợp đồng theo quy định pháp luật

Có thể nói, hợp đồng là giao dịch phổ biến nhất trong đời sống xã hội và là căn cứ cơ bản làm phát sinh nghĩa vụ. Trên thực tế, hợp đồng tồn tại vô cùng phong phú, đa dạng như hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng cho, vay, cho thuê, dịch vụ, bảo hiểm, giữ, ủy quyền…

Hợp đồng có thể được tồn tại dưới hình thức miệng hoặc bằng ăn bản. Hợp đồng theo định nghĩa tại điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015 được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Theo đó, muốn được công nhận là hợp đồng thì thỏa thuận phải thỏa mãn các điều kiện cơ bản sau:

  1. Phải có ít nhất hai bên chủ thể

Khác với giao dịch là hành vi pháp lý đơn phương thể hiện ý chí của một bên chủ thể như di chúc, hứa thưởng; hợp đồng phải là sự thể hiện ý chí của ít nhất hai bên chủ thể.

Cần lưu ý rằng ở đây có sự tham gia của hai bên chủ thể trong quan hệ hợp đồng chứ không phải là hai người vì mỗi bên có thể bao gồm một hoặc nhiều người. Thông thường, một hợp đồng bao gồm hai bên nhưng cũng có những hợp đồng có thể bao gồm ba, bốn bên… được gọi chung là hợp đồng đa phương.

  1. Phải có sự thống nhất ý chí giữa các bên

Không phải cứ có hai bên chủ thể bày tỏ ý chí thì có thể hình thành nên hợp đồng. Ví dụ: Bên bán đưa ra giá bán mà bên mua trả giá thấp hơn nhưng không được bên bán chấp nhận thì không thể hình thành nên hợp đồng.

Hợp đồng chỉ có thể được hình thành nếu sự thỏa thuận của các bên đạt được đến sự thống nhất tức là ý chí của hai bên đã đồng thuận và cùng chấp nhận một hậu quả pháp lý sẽ hình thành khi hợp đồng được giao kết.

  1. Sự thỏa thuận phải có hậu quả pháp lý làm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự

Không phải mọi sự thỏa thuận và có sự thống nhất ý chí của thì đều hình thành nên hợp đồng. Ví dụ như thỏa thuận kết hôn, thủ, hẹn… không phải là hợp đồng. Chỉ những thỏa thuận có hậu quả, phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự mới hình thành nên hợp đồng.

So sánh với định nghĩa về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự năm 2005 có thể nhận thấy định nghĩa về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự năm 2015 có một sự tiến bộ đáng kể. Nếu Điều 394 Bộ luật Dân sự năm 2005 sử dụng thuật ngữ “Khái niệm hợp đồng dân sự” thì Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bỏ đi cụm từ “dân sự” và chỉ để “Khái niệm hợp đồng”.

Định nghĩa này thể hiện sự tiến bộ và hợp lý bởi lẽ khái niệm hợp đồng vừa thể hiện sự ngắn gọn, súc tích vừa mang tính khái quát cao được hiểu là bao gồm tất cả các loại hợp đồng theo nghĩa rộng (hợp đồng dân sự, hợp đồng lao động, hợp đồng kinh hợp đồng chuyển giao công nghệ…) chứ không chỉ là các hợp đồng dân sự theo nghĩa hẹp đơn thuần. Bên cạnh đó, khái niệm hợp đồng trong Bộ luật Dân sự năm 2015 thể hiện được rõ bản chất của hợp đồng.

Quy định này cũng tạo sự thống nhất, tránh sự chồng chéo của nội dung các văn bản và cũng thể hiện được sự bao quát của Bộ luật Dân sự là đạo luật gốc của hệ thống luật tư./.

Đánh giá bài viết

096 567 9698