Lao động khuyết tật là nhóm đối tượng đặc thù mang trong mình những khiếm khuyết nhất định về thể chất và tinh thần dẫn đến hạn chế trong khả năng tiếp cận việc làm và các quyền khác trong quan hệ lao động. Vì vậy cần phải công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền làm việc và hưởng thụ các thành quả lao động của người khuyết tật.
Bộ luật lao động năm 2019 quy định chi tiết về chế độ đối với lao động là người khuyết tật.
- Thời gian làm việc
Bộ luật lao động năm 2019 quy định về việc trao quyền cho lao động là người khuyết tật được tự quyết định về việc làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm cũng như tự quyết định làm hoặc không làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Cụ thể, đã bỏ quy định cấm sử dụng lao động là người khuyết tật suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm và những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc tại Điều 178 Bộ luật lao động năm 2012.
Thay vào đó, Điều 160 Bộ luật lao động năm 2019 quy định: Nếu được sự đồng ý của người lao động, người sử dụng lao động có thể sử dụng người lao động là khuyết tật nhẹ, suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm. Nếu có sự đồng ý của người khuyết tật và cung cấp đầy đủ thông tin về công việc cho họ thì người sử dụng lao động thậm chí còn có thể sử dụng người lao động là khuyết tật làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
- Trách nhiệm của người sử dụng lao động
Thay đổi trách nhiệm của người sử dụng lao động từ “thường xuyên chăm sóc sức khỏe” sang “tổ chức khám sức khỏe định kỳ” cho người lao động là người khuyết tật.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 159 Bộ luật lao động năm 2019 quy định: Người sử dụng lao động phải bảo đảm về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn, vệ sinh lao động và tổ chức khám sức khỏe định kỳ phù hợp với người lao động là khuyết tật.
Theo đó, trách nhiệm của người sử dụng lao động trong chăm sóc sức khỏe người khuyết tật được thay đổi một cách rõ ràng, cụ thể hơn từ “thường xuyên chăm sóc sức khỏe” (quy định tại Khoản 1 Điều 177 Bộ luật lao động năm 2012) sang ”tổ chức khám sức khỏe định kỳ”.
Ngoài ra, còn có quy định cụ thể của Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định tại Khoản 1 Điều 21 như sau: Có thể khám sức khỏe định kỳ 06 tháng một lần, ngoài ra cơ quan có thẩm quyền không yêu cầu cụ thể người sử dụng lao động có phải thực hiện thêm hoạt động chăm sóc sức khỏe nào.
- Việc sử dụng các thuật ngữ đối với lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật
Theo đó sửa đổi để sử dụng thống nhất các thuật ngữ liên quan đến mức độ khuyết tật, phân loại khuyết tật trong Luật người khuyết tật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Theo quy định của Luật người khuyết tật năm 2010, có đến 6 dạng khuyết tật (khuyết tật vận động, khuyết tật nghe nói,khuyết tật tâm thần, khuyết tật trí tuệ, khuyết tật khác, chưa kể đến các trường hợp đa khuyết tật), mức độ ảnh hưởng đến khả năng lao động của các dạng khuyết tật này là không giống nhau.
Hiện nay, tùy theo mức độ khó khăn trong hoạt động sinh hoạt, học tập, lao động, pháp luật chia người khuyết tật ra làm 3 mức độ khuyết tật:
- Đặc biệt nặng
- Nặng
- Nhẹ
Quy định giới hạn điều kiện lao động đối với người khuyết tật trong Bộ luật lao động năm 2012 bao trùm lên toàn bộ nhóm lao động khuyết tật mà không căn cứ vào khả năng lao động thực tế.
Ngoài ra việc đưa ra giới hạn về tỉ lệ suy giảm khả năng lao động của người khuyết tật dẫn đến người sử dụng lao động không thể huy động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm với người khuyết tật có tỉ lệ suy giảm từ 51% trở lên là không có tính thực tiễn, khả thi.
Theo quy định tại Điều 15, Điều 16 và Điều 17 của Luật người khuyết tật năm 2010:
Việc xác định dạng tật và mức độ khuyết tật của các địa phương chủ yếu được giao cho hội đồng giám định tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người lao động sống, kiểm tra bằng phương pháp quan sát trực tiếp và đưa ra các câu hỏi cho người khuyết tật để đánh giá mức độ khuyết tật.
Từ đó, họ sẽ được cấp Giấy xác nhận mức độ khuyết tật, tuy nhiên không có thông tin về tỉ lệ suy giảm khả năng lao động (theo quy định Điều 19 Luật người khuyết tật năm 2010), chỉ có một số ít trường hợp người khuyết tật được xác định về tỉ lệ suy giảm khả năng lao động do có kết luận của Hội đồng giám định y khoa trước đó (theo Khoản 2,3 Điều 15 Luật người khuyết tật năm 2010).
Theo Nghị định số 28/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật người khuyết tật năm 2010 về mức độ khuyết tật chỉ quy định các mốc 61% (tương ứng mức độ khuyết tật nặng), 81% (tương ứng với mức độ khuyết tật đặc biệt nặng), không quy định mốc 51%.
Vì vậy Bộ luật lao động năm 2019, đã có những quy định cụ thể hơn về tỉ lệ suy giảm khả năng lao động từ 51% với người khuyết tật nhẹ giúp cho người lao động đề xuất với người sử dụng lao động vấn đề mình bị khuyết tật để đề nghị doanh nghiệp cải thiện các điều kiện lao động phù hợp hơn, trong đó có việc không thể bắt buộc làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm nếu người lao động không đồng ý./.