Tuvandoanhnghiep.com.vn - Thay đổi giấy phép kinh doanh

2 phương pháp định giá cổ phiếu

Trước khi đầu tư vào một loại cổ phiếu nào nhà đầu tư cần phân tích, đánh xem giá trị thực của cổ phiếu đó, từ đó nhận định được thị trường và xu hướng trong tương lai để có thể ra được quyết định đầu tư.

Định giá cổ phiếu là gì?

Định giá cổ phiếu là hoạt động giúp các nhà đầu tư chứng khoán xác định được giá trị nội tại hay giá trị thực của một cổ phiếu. Có thể hiểu đơn giản việc định giá cổ phiếu là việc giúp các nhà đầu tư đánh giá, xác định định được giá trị thực của một cổ phiếu tại thời điểm hiện tại. Từ đó nhận định được thị trường cũng như các danh mục và ra quyết định đầu tư.

Ví dụ: Một nhà đầu tư định giá cổ phiếu  X là 100.000 đồng/ cổ phiếu nhưng giá bán trên thị trường lại là 70.000 đồng/ cổ phiếu. Nhà đầu tư quyết định tiến hành mua cổ phiếu X sau đó chờ đợi cho đến khi cổ phiếu này có giá 100.000 đồng/cổ phiếu thì sẽ bán ra và thu được lợi nhuận.

Mục đích của việc định giá cổ phiếu là xác định giá trị thực của cổ phiếu đó trong một thời điểm nhất định, từ đó nhà đầu tư có thể xác định được tiềm năng cổ phiếu đó và có những quyết định đầu tư tối ưu .

Phương pháp định giá cổ phiếu

Có nhiều cách để xác định giá trị cổ phiếu, thông thường có 2 phương pháp chủ yếu đó là phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật.

  1. Phân tích cơ bản

Phương pháp này cho rằng giá trị nội tại của cổ phiếu – giá trị được tạo ra bởi chính hoạt động của công ty, là cơ sở quyết định giá cổ phiếu của công ty và chiều hướng thay đổi giá cổ phiếu được quy định bởi giá trị nội tại trong dài hạn.

Xuất phát từ luận điểm trên, phân tích cơ bản đi sâu đánh giá triển vọng tăng trưởng và lợi nhuận của công ty trên cơ sở xem xét triển vọng của nền kinh tế thế giới, nền kinh tế trong nước, của ngành kinh tế và của chính bản thân công ty. Như vậy, về mặt logic, phân tích cơ bản là một quá trình phân tích các vấn đề chủ yếu:

  • Phân tích kinh tế vĩ mô;
  • Phân tích ngành kinh tế mà công ty hoạt động trong đó;
  • Phân tích công ty bao hàm phân tích kinh tế và phân tích tài chính trong đó phân tích tài chính là nội dung trọng yếu.

Phân tích kinh tế vĩ mô và phân tích ngành kinh tế là nhằm đánh giá môi trường kinh doanh và tác động của môi trường kinh doanh đến hoạt động và kết quả hoạt động của công ty, từ đó tác động đến giá cổ phiếu của công ty.

Ưu điểm:

  • Phù hợp hơn cho việc dự đoán giá cổ phiếu và cho quyết định đầu tư trong dài hạn;
  • Giúp cho NĐT có thể lựa chọn công ty tốt để đầu tư và nhận biết được các yếu tố chủ yếu tác động đến giá trị của công ty.

Nhược điểm:

  • Sử dụng phương pháp này tốn nhiều thời gian và công sức do phải tiếp cận và xử lý một khối lượng lớn các thông tin kinh tế và tài chính;
  • Mức độ chính xác của kết quả phân tích bị hạn chế, bởi lẽ nó phụ thuộc vào tính chính xác của các thông tin đặc biệt là các báo cáo tài chính;
  • Có nhiều biến số phải tính đến và giá trị của các biến số này một phần mang tính chủ quan của người phân tích;
  • Bỏ qua yếu tố tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường.
  1. Phân tích kỹ thuật

Phương pháp này nghiên cứu những diễn biến hay hành vi của thị trường chủ yếu thông qua các lý thuyết, các chỉ số và các đồ thị để dự đoán các xu hướng biến động về giá cổ phiếu trên thị trường trong tương lai. Cơ sở căn bản của phương pháp phân tích kỹ thuật là lý thuyết Dow (Charles Henry Dow). Lý thuyết này đã đưa ra một số giả thuyết, trong đó có 3 giả thuyết cơ bản.

  • Giá cả chứng khoán phản ánh mọi thông tin và tất cả hành vi thị trường

Bất kỳ một thông tin gì mới đưa ra lập tức được NĐT tiếp nhận và được phản ánh ngay vào trong giá cả chứng khoán. Không những thế, những yếu tố tâm lý và hành vi của các NĐT trên thị trường cũng được phản ánh vào trong giá cả.

  • Giá cả chứng khoán vận động theo xu hướng

Giá chứng khoán vận động không hoàn toàn ngẫu nhiên mà theo xu hướng. Sự vận động của giá theo xu hướng nhất định cho tới khi xảy ra sự đảo ngược xu hướng.

  • Quá khứ sẽ tự lặp lại

Phân tích kỹ thuật tập trung vào việc nghiên cứu biến động thị trường, trong đó một nội dung rất quan trọng là nghiên cứu tâm lý các NĐT. Yếu tố tâm lý của NĐT ảnh hưởng rất lớn đến giá chứng khoán đặc biệt là trong ngắn hạn. Các nhà phân tích kỹ thuật đã xác định được các mô hình giá chứng khoán.

Các mô hình này cũng chỉ ra tâm lý thị trường đang là lên giá hay xuống giá. Việc áp dụng những mô hình giá được giả định vẫn có hiệu quả trong tương lai, bởi chúng dựa trên phân tích, nghiên cứu tâm lý con người mà tâm lý con người thì thường không thay đổi, vậy nên người ta sẽ tiếp tục lặp lại những sai lầm mà họ đã mắc phải trong quá khứ.

Ưu điểm:

  • Phương pháp này cho phép đưa ra các dự báo giá chứng khoán cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn;
  • Việc phân tích, dự báo không phụ thuộc vào các báo cáo tài chính công ty;
  • Cho phép có thể phát hiện ra xu thế dịch chuyển giá sang một mức giá cân bằng mới;
  • Các nhà phân tích cũng cho rằng sử dụng phương pháp này có thể xác định được thời điểm đầu tư thích hợp.

Nhược điểm:

  • Phân tích kỹ thuật vẫn mang nặng tính chủ quan của người phân tích. Trước cũng một diễn biến về giá cổ phiếu, các nhà phân tích kỹ thuật khác nhau có thể đưa ra cách diễn giải hay phân tích rất khác nhau;
  • Nhiều người cho rằng sử dụng phương pháp này để dự toán về diễn biến của giá chứng khoán vẫn bị chậm trễ bởi lẽ khi phát hiện ra xu thế thì trong thực tế giá đã chuyển động mạnh;
  • Nhà đầu tư có thể sử dụng cả hai phương pháp phân tích trên bởi lẽ các phương pháp phân tích có thể bổ sung cho nhau giúp cho nhà đầu tư đánh giá và đưa ra quyết định đầu tư tốt hơn;
  • Phần dưới đây sẽ xem xét việc định giá cổ phiếu hay xác định giá trị nội tại của cổ phiếu trên cơ sở của phương pháp phân tích cơ bản.

Một số lưu ý khi định giá cổ phiếu

Nắm được các yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, thị giá của cổ phiếu có thể chịu ảnh hưởng từ rất nhiều yếu tố khác nhau cụ thể:

  • Tình hình kinh tế – xã hội

Thị giá của cổ phiếu có thể bị chi phối lớn do tác động từ nền nền kinh tế quốc gia, kinh tế thế giới cũng như tình hình chính trị trong và ngoài nước. Thông thường thị giá cổ phiếu thường có xu hướng tỉ lệ thuận với sự phát triển của nền kinh tế. Có thể hiểu, thị giá cổ phiếu sẽ có xu hướng tăng khi nền kinh tế phát triển và ngược lại xu hướng giá giảm khi nền kinh tế chung đi xuống.

  • Quy luật cung cầu trên thị trường

Một cổ phiếu được có lượng cầu cao nghĩa là nhiều người mua thì giá cổ phiếu đó sẽ có xu hướng tăng lên và ngược lại.

  • Báo cáo tài chính doanh nghiệp

Nếu tốc độ tăng trưởng và doanh thu cao cùng với kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tốt thì có khả năng giá cổ phiếu của doanh nghiệp này sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai và ngược lại.

  • Tâm lý của nhà đầu tư

Chứng khoán là một thị trường rất nhạy cảm với thông tin, chỉ cần một vài thông tin gây nhiễu xuất hiện thì rất có thể ảnh hưởng đến thị trường và làm giao động mạnh. Để có thể xác định giá cổ phiếu tốt, nhà đầu tư cần phải có tâm lý vững vàng, bình tĩnh và chọn lọc được những thông tin chính xác thì từ đó mới có thể đưa ra quyết định đầu tư tối ưu và chính xác hơn.

Cuối cùng, không có một công thức chung và chính xác nào để có thể định giá cho mỗi cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Bởi mỗi chu kỳ kinh doanh, mỗi loại hình doanh nghiệp, định hướng tương lai, mỗi điều kiện vĩ mô, nội lực doanh nghiệp hay năng lực nhà đầu tư lại cho những nhận định khác nhau về giá trị của cổ phiếu đó. Vì vậy, đôi khi có một số trường hợp nhà đầu tư không thể định giá được doanh nghiệp./.

5/5 - (1 vote)

096 567 9698